Trang chủDanh nhân – nhân vật lịch sửTiến sĩ Thượng thư Đặng Minh Khiêm (1457 - ?)

Tiến sĩ Thượng thư Đặng Minh Khiêm (1457 - ?)

Thứ Ba, 30/07/2013

“Văn chương của ông thanh nhã, dồi dào, đời vẫn truyền tụng Ông là người có văn hoá, tiết tháo, là bậc danh nho thời Lê. Sử khen ông không hổ là bậc khoa danh - Người ta cho là Đặng Tất, Đặng Dung có con cháu khá” - Phan Huy Chú.

Đặng Minh Khiêm sinh năm 1457, quê Mạo Phổ, Sơn Vi, ngày nay là Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ngài đỗ Nhị giáp Tiến sĩ năm Đinh Mùi (1487) thời vua Lê Thánh Tông.

Ngài là cháu 4 đời Đặng Dung và cha là Đặng Chiêm đậu Nhị giáp Tiến sĩ năm Quí Dậu (1453) thời Lê Nhân Tông. Ngài còn có người anh trai Đặng Tông Đản đậu Hoàng giáp làm quan giữ chức Thượng thư bộ lễ thời Lê Thánh Tông. Đặng Tông Đản đậu Hoàng giáp làm quan giữ chức Thượng thư bộ lễ thời Lê Thánh Tông. Đặng Tông Tán là em trai đậu Tam giáp Tiến sĩ cùng khoa thi năm 1487 với Đặng Minh Khiêm.

Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm được Vua Lê Hiến Tông (1497-1504) phong giữ chức Hàn lâm viện thi thư. Năm 1501 Ngài vâng lệnh vua đi sứ Trung Quốc. Khi vua Hiến Tông mất Ngài mới về chịu tang. Vua Lê Hiến Tông là ông vua hiền, thông minh biết nối nghiệp cha Lê Thánh Tông. Năm 1509, Ngài vâng lệnh vua Lê Uy Mục (1504-1509) đi sứ lần thứ hai.

Năm 1513 đi sứ trở về, Đặng Minh Khiêm được vua Tương Dực (1510-1516) giao giữ chức Tả thị lang bộ lại, rồi thăng giữ chức Thượng thư bộ lễ kiêm phó tổng tài Quốc sử quan.

Năm 1517, ông được Vua Lê Chiêu Tông (1516-1522) giao cho việc soạn lại bộ Đại Việt sử kí.

Gần 20 năm làm quan, trải qua 4 đời vua (nếu kể cả Túc Tông làm vua được 6 tháng thì cả thảy là 5 đời vua), có đến 4 đời triều đình nhà Lê lâm vào tình trạng rối ren, ly tán, tranh giành quyền bính, lật đổ lẫn nhau. Vua bất tài, gian ác, say mê tửu sắc, hoang dâm làm cho dân ngày càng đói khổ, oán thán, giặc giã nổi lên khắp nơi, các cuộc khởi nghĩa liên tiếp xảy ra. Trần Tuân năm 1511 nổi loạn Tây Sơn, Trần Cao năm 1516 nổi loạn ở Đông Triều, Hải Dương...Trước tình hình ấy, vua đã nhiều lần phải rời kinh thành Thăng Long, còn các quan lớn trong triều tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, bên này Trịnh Duy Sản nhảy vào đâm chết Tương Dực (1516), bên kia là Mạc Đăng Dung điệu Lê Cung Hoàng về Hải Dương để cướp ngôi (1527).

Trước tình hình triều đình nhà Lê rối loạn như thế và cuối cùng Mạc Đăng Dung giết chết Lê Cung Hoàng. Trong khi đó Đặng Minh Khiêm “luôn luôn giữ nghiêm sắc mặt, giữ mình thẳng thắn, không ỷ lại phụ hoạ ai, giữ vững khí tiết cứng cỏi, không ai lay chuyển được” (Phan Huy Chú - Lịch triều Hiến chương loại chí).

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Đặng Minh Khiêm không phục nhưng tự thấy sức mình chống đỡ không nổi nên từ quan về nhà làm thơ vịnh sử cho qua ngày đoạn tháng. Bộ sách Đại Việt sử ký mà Chiêu Tông giao ông soạn lại đã hoàn tất nhưng vì tình hình khi ấy chưa thể trình vua được ông đã viết cả thảy 30 tập như Giám mục vinh thư tập, Thi lục, Thi tuyển với hàng trăm bài thơ vịnh các bậc Đế vương và các danh thần võ tướng từ thời các vua Hùng đến thời hậu Trần.

Phan Huy Chú ca ngợi Đặng Minh Khiêm như sau: “Văn chương của ông thanh nhã, dồi dào, đời vẫn truyền tụng Ông là người có văn hoá, tiết tháo, là bậc danh nho thời Lê. Sử khen ông không hổ là bậc khoa danh - Người ta cho là Đặng Tất, Đặng Dung có con cháu khá”.

 Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm có khá nhiều con cháu hiền tài không ra làm quan hoặc không dự khoa thi ở triều Mạc.

Đặng Minh Cát – Con trai trưởng giữ chức tham chính sứ Hải Dương, khi Mạc Đăng Dung (1527-1529) làm vua thì cũng bỏ quan, về ở ẩn tại làng Phú Nghĩa, Cẩm Giàng, Hải Dương.

Đặng Hạo Nhiên – Con thứ hai Đặng Minh Khiêm và các con, cháu ông (Đ.H.N) là Đặng Phúc Thiêm, Đặng Thuần Trung cũng đều ở ẩn, không ra làm quan, không dự các khoa thi, ở nhà mở trường dạy học, đào tạo được nhiều nho sinh thành đạt, trong đó có Nguyễn Danh Nho ở cùng làng Phú Nghĩa, đậu Tiến sĩ năm 1670.

Đến khi triều Mạc sụp đổ, lại sang triều đại Lê Trung Hưng (1533-1788) bắt đầu từ vua Lê Trang Tông (1533-1548) thì mới có cháu, chắt của Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm dự các khoá thi, nhiều người đậu Tiến sĩ tuổi đã cao: Đặng Thuần Nhân 54 tuổi, Đặng Kính Chi 63 tuổi, Đặng Duy Minh 54 tuổi, Đặng Duy Mẫn 65 tuổi.

Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho làm thơ tặng Đặng Minh Khiêm như sau:

Cháu Hoàng giáp nối dòng sư, bảo

Từ non hồng kiến tạo tinh anh

Ông, cha, con, cháu

Em cũng như anh

Một dòng tiết nghĩa khoa danh vẹn toàn

(Phỏng dịch thơ Võ Hồng Huy)

Danh sách mới hơn