Thái phó Đặng Văn Hiếu - một nhân tài đất Hoan Châu
Chủ Nhật, 25/08/2013
Ông được các đời vua kế tiếp như Trung Tông Hoàng Đế, Ngọa Triều Hoàng Đế trọng dụng bởi lòng trung thực và sự hiểu biết sâu sắc. Khi Ngọa triều Hoàng Đế băng hà, Lý Công Uẩn lên ngôi đã phong ông giữ chức Thái Phó, một trong những vị trí chủ chốt của triều đình.
Ông Đặng Mại đã phát hiện ra rất nhiều loại cây có thể ăn được và ông đã dạy bà con ươm trồng thành các loại rau. Trong lúc đi săn bắn ông đã dùng chính cái miệng của mình để phát hiện ra các loại cây có thể chữa các loại bệnh thông thường. Không dừng tại đó, ông còn phát hiện sự phát triển của cây trồng không những phụ thuộc vào thời tiết mà còn quan hệ tới thổ nhưỡng đất đai.
Là con của ông Đặng Mại, quê quán ở Chọ Hang, làng Gián Thủy, huyện Nha Nghi Lộ, Nghệ An. Ngày nay là xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà tĩnh. Chọ Hang là một làng nhỏ nằm dưới chân núi Phượng Sơn nay không còn dân ở, sau quá trình dời biển lập làng, nhiều khu dân cư nhỏ sống rải rác dưới chân núi Hồng Lĩnh di dời về các vùng ven biển, các làng như Chọ Hang, Chọ Đình, Chọ Trúc, Chọ Sim…vv..nay chỉ còn là tên gọi. Xưa Ông Đặng Mại làm nghề nuôi thú, sống trong túp lều tranh bên sườn núi đá. Không biết ông Đặng Mại từ đâu tới định cư ở đây, ông dạy dân đan lưới , bắt cá và săn thú. Thời đó cuộc sống của người dân vùng này rất khó khăn. Người ta chỉ dựa vào các nghề săn bắt, còn việc trồng trọt thì kỹ thật hết sức đơn giản. Chính trong bối cảnh đó ông Đặng Mại đã phát hiện ra rất nhiều loại cây có thể ăn được và ông đã dạy bà con ươm trồng thành các loại rau. Trong lúc đi săn bắn ông đã dùng chính cái miệng của mình để phát hiện ra các loại cây có thể chữa các loại bệnh thông thường. Không dừng tại đó, ông còn phát hiện sự phát triển của cây trồng không những phụ thuộc vào thời tiết mà còn quan hệ tới thổ nhưỡng đất đai. Có loại cây phù hợp với đất cát như dưa hấu, có loại cây chỉ phát triển nơi khô ráo hoặc có độ ẩm cao. Tất cả những hiện tượng quan sát được ông đều ghi nhớ để truyền lại cho bà con.
Ông Đặng Mại và bà Hoa Nương sinh được hai người con trai, Đặng Văn Hiếu và Đặng Văn Ngãi (Nghĩa). Hai anh em khôi ngô tuấn tú được ông ngoại ở làng Phan Xá nuôi ăn học, đến năm 995 khi Đại Hành hoàng đế cho người đi tuyển mộ người tài ra giúp nước, hai ông cáo từ ông bà ngoại và cha mẹ ra dự thi ở Hoa Lư, Phủ Trường Yên (Ninh Bình ngày nay). Ông Đặng Văn Hiếu được mời vào cung làm quan giữ chức Lục Phán (một chức quan nhỏ quản lý trong triều). Ông là người thông minh, tính tình cương trực, thẳng thắn, trung thực. Ông chịu ảnh hưởng của nhà tư tưởng Khổng Tử, ông thuộc làu những kiến thức mà ông ngoại dạy bảo. Có lần ông ngoại hỏi: Cháu còn nhớ gì về Đức Khổng Tử mà tết năm ngoái ta dạy không? Đặng Văn Hiếu không những trả lời hết những gì ông dạy mà còn nói thêm rất nhiều điều mà ông đọc được ở sách. Ông nói :“Thưa Ông ngoại, Khổng Tử là một nhà tư tưởng lớn của Trung Hoa thời cổ đại, nguyên là người nước Lỗ trong thời kỳ Xuân Thu. Ông họ Khổng, tự là Trọng Nê, tên là Khưu, sinh năm 551 trước Công Nguyên. Tư tưởng học thuyết của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử Trung Hoa và Á Đông. Tổ tiên của ông là quý tộc nước Tống, đến đời cụ nội ông lánh nạn nên chạy sang nước Lỗ. Cha ông làm quan Đại Phu ở Ấp Châu, nước Lỗ. Khi Khổng tử còn nhỏ thì cha qua đời, mẹ ông đưa con về đô thành Khúc Phụ thuộc nước Lỗ sống một cuộc sống nghèo khổ. Khổng tử được hấp thụ nền văn hóa Cổ lão của Đất Tống là con cháu đời sau của Ân Thương và nước Lỗ lại là đất phong cảnh của Chu Công vào đầu nhà Chu. Cả hai nền văn hóa này được kế thừa văn hóa Thượng Chu sinh ra một Khổng Tử vĩ đại.”
Vào năm Kỷ Mão 979 Nam Việt Vương Liễn giết chết Hoàng Thái Tử Hạng Lang. Nam Việt Vương là con trưởng của vua, lúc vua bình thiên hạ thì Liễn là người chịu gian khổ, nuôi chí cùng cha làm nghiệp lớn, sau khi khải hoàn vua có ý truyền ngôi cho Liễn. Nam việt Vương được vua cha xin nhà Tống tấn phong. Nhưng khi Hoàng Thái Hậu sinh thêm con nhỏ là Hạng Lang thì vua cha đổi ý và lập Hạng Lang làm Thái tử. Liễn ghen tức nên lập mưu giết chết Hạng Lang. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “Nối ngôi dùng con Đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, thì trước hết chọn người có công hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. Nam Việt Vương Liễn là con trưởng lại có công chưa bị lỗi lầm gì. Tiên Hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới tỏ tình yêu quý, không biết như thế mà làm hại con. Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay. Không phải thế tội ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm được”. Năm Thái Bình thứ 5 (974), sấm ngữ nói rằng : “ Đỗ Thích thí đinh đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành. Thạp nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện, thạp bát tử đăng tiên, kế đô nhị thập thiên” (Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, ngoài đường không bóng người. Loạn mười hai sứ quân, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao kế đô hai chục ngày). Ngày trước khi còn hàn vi nhà vua thường đi đánh cá, bắt ốc mò cua ở sông Giao Thủy, khi kéo lưới nhăt được hòn ngọc quý, không may va vào thuyền sứt mất một góc. Đêm ấy nhà vua vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy đợi đến sáng mang cá đi bán,viên ngọc quý vua giấu dưới cái giỏ đựng cá. Ban đêm hòn ngọc phát ánh sáng rất lạ và đẹp, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và đưa ngọc cho sư xem, sư thà than rằng: “Ngày sau anh sẽ là người phú quý không ai bì kịp, thế nhưng phúc nhà anh không được bền lâu”. Đúng vậy, khi lên làm vua một thời gian nội bộ trong triều rối ren như đã nói ở trên cho nên vua cha bị Đỗ Thích đang đêm giết hại, Nam Việt Vương Liễn cùng chung số phận với Thượng hoàng. Như vậy Đinh Tiên Hoàng ở ngôi được 12 năm, ông là vua sáng, tài năng, mưu lược, dũng cảm nhưng chỉ vì mất cảnh giác mà không giữ được trọn đời. Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Tập đạo tướng quan Lê Hoàn sau khi giết chết Đỗ Thích đã tôn Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng Đế lúc mới 6 tuổi. Lê Hoàng tự xưng là phó Vương làm công việc nhiếp chính như Chu Công ( tên gọi là Cơ Đán, Thời nhà Chu Trung Quốc). Các quan đại thần như Nguyễn Bặc, Đinh Điền… nghi ngại Lê Hoàn cướp ngôi nên đã dấy binh chống lại Lê Hoàn, việc không thành bị Lê Hoàn đánh bại. Nguyễn Bặc và một số Đại thần bị Lê Hoàn bắt sống và vu cho tội cướp ngôi. Lê Hoàn cho chém chết và bêu đầu.
Thời gian này đất nước gặp nhiều nguy cơ bị xâm lược. Phía Bắc quân Tống nhòm ngó, phía Nam Phò mã Ngô Nhật Khánh phản nghịch rước quân Chiêm Thành vào cướp bóc. Vua nối còn bé nên nhiều tướng lĩnh muốn tôn Lê Hoàn lên làm vua để đảm đương công việc của triều đình. Được sự ủng hộ của các đại quan, Thái hậu Dương Vân Nga đã mời Lê Hoàn lên ngôi Hoàng Đế. Giáng phong vua làm Vệ Vương. Việc này còn để lại cho hậu thế nhiều lời bàn luận về quan hệ lúc bấy giờ của Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Nhưng xét bối cảnh lúc bấy giờ, giặc giả nổi lên khắp nơi, lại có nguy cơ bị ngoại quốc xâm lược cho nên việc lên ngôi của Lê Hoàn là kịp thời và ý của trời, vì chỉ có Lê Hoàn làm minh chủ thì đất nước mới tránh được họa xâm lăng. Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng có lời bình trong Đại Việt sử ký toàn thư về việc này, ông cho rằng làm sao tránh được sự dèm pha trong việc Lê Hoàn nhiếp chính. Lê Hoàn lên ngôi xưng là Đại Hành Hoàng Đế.
Chuyện kể rằng, cha vua tên là Mịch, mẹ vua tên là Đặng Thị Sen, khi mới có thai bà họ Đặng nằm mơ thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ trong vài phút là hoa sen kết hạt, bà lấy chia cho mọi người, riêng mình không ăn. Đến ngày rằm tháng 7 năm Thiên Phúc thứ 6 (năm 941) Lê Đại Hành chào đời với dáng mạo khác thường. Bà Đặng Thị Sen nói với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm thì cả cha và mẹ đều qua đời. Trong cơn hoạn nạn đói rét không có ai chăm nuôi thì Vua được một viên quan nhỏ người họ Lê nhận về làm con nuôi, viên quan này hết lòng thương yêu coi như con đẻ của mình. Có đêm rét mướt vua úp cối ngủ, trên người phát ra một thứ ánh sáng lạ. Viên quan nhỏ lại gần xem thì thấy một con rồng vàng che ấp bên trên. Viên quan này thấy có điềm thiêng nên lại càng yêu quý Lê Hoàn.
Đặng Văn Hiếu học nhiều về môn sử và luôn theo dõi việc thời thế để có thể đem tài mọn của mình ra giúp dân. Là người có họ hàng với bà Đặng Thị Sen là mẹ của vua Lê Đại Hành, cho nên khi nghe tin vua ra chiếu tìm người tài, Đặng Văn Hiếu đã về kinh xin được vào yết kiến. Đại Hành Hoàng Đế đã phong Đặng Văn Hiếu giữ một chức quan nhỏ nhưng luôn coi ông là ngoại thích của mình. Ông được các đời vua kế tiếp như Trung Tông Hoàng Đế, Ngọa Triều Hoàng Đế trọng dụng bởi lòng trung thực và sự hiểu biết sâu sắc. Khi Ngọa triều Hoàng Đế băng hà, Lý Công Uẩn lên ngôi đã phong ông giữ chức Thái Phó, một trong những vị trí chủ chốt của triều đình.
(Đại Việt sử ký toàn thư trang 239. Tập 1, nhà xuất bản KHXH năm 1998)
KTS. Đặng Văn Thảo đăng trên báo Người Hà Nội