Đặng Thúc Liêng

Thứ Sáu, 20/09/2013

Đặng Phúc Liêng là nhà Nho – Y cao thâm nhà đạo đức có uy tín, đồng thời là nhà văn nhà báo có tiếng, được trọng nể, là một nhân sĩ yêu nước của Sài Gòn – Gia Định và Nam Bộ lúc bấy giờ. Về tư tưởng, ông là nhà Nho trong giới sĩ phu sớm có khuynh hướng cấp tiến, canh tân, kinh tế theo khoa học hiện đại. ông chịu ảnh hưởng của những nhà tư tưởng lớn trên thế giới. Ông có công đặt nền công thương nghiệp đầu tiên của Sài Gòn – Gia Định, sáng lập tổ chức Hội Y học đầu tiên của Việt Nam. Sự nghiệp văn học, báo chí, nghệ thuật của ông cũng to lớn, chiếm gần hết cuộc đời yêu nước của ông, nổi lên những tư tưởng truyền thống văn hoá đạo đức nhân ái, dân tộc, chống thực dân xâm lược, đả kích những kẻ phản dân hại nước, tay sai... ông góp phần chấn chỉnh hát bội, đặt nền móng cho cải lương Nam Bộ. ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị như Quốc Văn Hồn, Trương Vĩnh Ký hành trạng, Hán Văn thi tập, Việt Âm thi tập, Trí y tiện dụng, Tâm quyển giải, Tâm Bổn Mễ Thương, Nhân Hoà thiền hội, Canh Hoang biến pháp, Chửng Mạnh tân biến, Trừ diêm thuế dĩ hồ nông bổn, Lập hội thuyết....v.v”.

           Đặng Phúc Liêng sinh năm Đinh Mão (1867), quê ở làng Tân Phú Trung, Gia Định. Lúc còn thơ ấu ông có tên là Đặng Văn Huẫn, đến năm 18 tuổi lấy biệt hiệu là Trúc An. Từ năm 30 tuổi về sau mới lấy tên là Đặng Thúc Liêng, các bút hiệu là Mộng Liêm, Lục Hà Tẩu.

          Thân sinh Đặng Phúc Liêng là án sát Đặng Văn Duy. Năm 1862, cụ Đặng Văn Duy cố thủ đồng Chí Hoà chống lại cuộc tấn công của Pháp được 4 tháng thì đồn thất thủ. Vua Tự Đức bổ nhiệm Đặng Văn Duy làm án sát tỉnh Bình Thuận. ông cổ động cho phong trào Duy Tân, xuất dương du học. Do đó, Đặng Văn Huẫn hấp thụ được nhiều tư tưởng yêu nước, thương dân của thân phụ và các bậc chí sĩ ở Trung và Nam Kỳ.

          Ông Đặng Văn Duy mất tại Bình Thuận, Đặng Văn Huẫn đem theo linh hữu của phụ thân về an táng ở quê nhà.

          Năm 1886, Đặng Văn Huẫn 19 tuổi, ông được hai ông Phan Tôn và Phan Liêm dạy thêm kiến thức trong các sách Hán tự. Ngoài văn học chữ Hán, Đặng Văn Huẫn còn thông thạo y dược và trọn bộ Kinh Dịch. Bấy giờ vua Đồng Khánh lập ra Thông Thương Nha giao cho Phan Tôn phụ trách. Phan Tôn phái Đặng Phúc Liêng sang Hương Cảng để mở trụ sở mậu dịch với nước Trung Hoa. Từ năm 1887 đến năm 1888 công cuộc làm ăn phát triển. Ở đây, ông đã có những cuộc bút đàm, thảo luận với các văn hào cách mạng Trung Hoa như: Khương Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hồ Hán Dân và cộng sự viên của Thương vụ án thư quán ở Thượng Hải. Đặng Phúc Liêng đề nghị triều đình tuyển thanh niên xuất ngoại du học, tiếp thu khoa học phương Tây và rèn luyện sinh ngữ Anh. Đề nghị và kế hoạch của ông không được thực hiện.

         Không làm được theo chí của mình, Đặng Phúc Liêng trở về gia đình ngồi chẩn mạch cho tiệm thuốc Bắc. ông nói tiếng Quảng Đông rất thành thạo nên rất được giới người Hoa mến mộ. Năm 1890, Đặng Phúc Liêng đổi biệt hiệu là Mộng Liêm, ông viết một loạt bài đăng trên các báo Nông Cổ Mín Đàm; Mộng Liêm điều hoà Khổng học với những tư tưởng cấp tiến trong các cuốn sách của Voltarie, Jean Jacques Rousseau, Lincoln...do các dịch giả dịch ra tiếng Hán. Thi văn, tuồng, truyện của Đặng Phúc Liêng đã được in ra và phát hành nhiều bản.

          Qua nhiều lần ra Bắc vào Nam, Đặng Phúc Liêng có mối quan hệ tâm giao với Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Duy Tốn và những người trong nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau năm 1905, khi Nhật thắng Nga, hơn 100 thanh niên do Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu và ông lựa chọn đã xuất dương sang Nhật học. Năm 1905, Đặng Phúc Liêng bị bắt với Trần Chánh Chiếu một lượt với 40 người bị tình nghi khác và bị tống giam trong khám đường ở tỉnh lị Mỹ Tho. Sau 4 tháng bị giam cầm, ông được phóng thích do sự can thiệp của 2 công chức Pháp cấp tiến (ông đã dạy họ chữ Hán trước đây).

          Ra tù, Đặng Phúc Liêng và Trần Chánh Chiếu lập ra công ty kinh doanh công thương kiểu mẫu với nhã hiệu Minh Tân Công Nghệ. Trụ sở của công ty đặt tại một căn phố đường Charner (Nay là đường Nguyễn Huệ ngang hãng xe Renault). Sản phẩm của công ty là xà phòng hiệu Con Vịt được đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt. Ông định lập một xưởng chế tạo diêm quẹt tại tỉnh Mỹ Tho song bị các nhà tư sản ngoại kiều phá nên không thực hiện được. Dù không mở được những cơ xưởng lớn, ông cũng đã hợp sức với các đồng chí gây dựng nhiều Xí nghiệp ngầm giúp cho phong trào Duy Tân và Đông Du những số tiền lớn. Ngoài đối phó với những thế lực ngoại kiều, ông cùng Trần Chánh Chiếu chống đối quyết liệt bọn tay sai, trong đó có đốc phủ Trần Bá Thọ. Đặng Phúc Liêng nghe tin Thọ cưỡng đoạt vợ người vợ giữa tiệc cưới ở làng Tân Dương, ông đề nghị Tham Biện Mast gởi công điện về Phủ thống đốc Nam Kỳ. Một thanh tra Pháp được cử xuống thanh tra. Thọ bị giải về Sài Gòn sau đó bị cách chức.

          Khoảng năm 1910, Đặng Phúc Liêng mở một hiệu thuốc Bắc ở đầu cầu Sắt làng Vĩnh Phước, thành phố SaĐéc mang bảng hiệu “Phước Hưng Đông”. Chính trong thời gian ngắn ẩn ở SaĐéc, cụ lại lưu tâm đến làng kịch sân khấu. ông cùng các bạn đồng điệu xây cất một rạp hát ở làng Vĩnh Phước. ông đưa ra sáng kiến áp dụng nghệ thuật đàn ca mới trên sân khấu gọi là hát “cải lương”, dần dần “cải lương” lan rộng và phát triển. Ít năm sau, ở SaĐéc, ông André Nguyễn Văn Thận bắt chước lối cải lương ấy trong gánh hát xiếc của mình. Tiếp đến, là các gánh hát của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, Văn Huý, Banh Huỳnh Kỳ....

          Năm 1923, Đặng Phúc Liêng phó thác tiệm thuốc “Phước Hưng Đông” và sản nghiệp ở SaĐéc cho vợ là bà Nguyễn Thị Nhơn, ông lên Sài Gòn nhập làng báo. Ông viết bài cho các tờ Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Kỳ báo, Đại Việt tạp chí, Trung lập báo, Đông Phương Thời Báo, Công Luận với bút hiệu là Lục Hà Tẩu (ông lão quê mùa đã rong chơi khắp non sông).

          Năm 1931, ông xin được phép xuất bản tờ báo hàng ngày nhan đề “Việt Dân báo”. Nội dung báo công kích Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu (lúc bấy giờ ông Chiêu có tờ La Tribune Indochinoise là tờ báo phản động, chống đối, hãm hại thanh niên cách mạng...). Ông cũng tham gia giúp đỡ Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường xuất bản báo “La Cloche Fêlée” (Chuông rè).

          Năm 1934, Đặng Phúc Liêng sáng lập Việt Nam Y Dược Hội nhằm mục đích bảo vệ lương y và dược sĩ Đông Dương. Đến năm 1941, Nhựt Bổn chiếm Đông Dương, Nhựt và tay sai cố gắng o bế những nhân sĩ Việt Nam, Đặng Phúc Liêng cáo bệnh và đến cuối năm 1944, cụ cùng gia đình về quê ở làng Tân Qui Đông, Châu Thành, SaĐéc. 

         Ngày 10 tháng 7 năm 1945 ông bị bệnh và qua đời ngày 16 tháng 8  năm 1945, hưởng thọ 78 tuổi.

          Đặng Phúc Liêng là nhà Nho – Y cao thâm nhà đạo đức có uy tín, đồng thời là nhà văn nhà báo có tiếng, được trọng nể, là một nhân sĩ yêu nước của Sài Gòn – Gia Định và Nam Bộ lúc bấy giờ. Về tư tưởng, ông là nhà Nho trong giới sĩ phu sớm có khuynh hướng cấp tiến, canh tân, kinh tế theo khoa học hiện đại. ông chịu ảnh hưởng của những nhà tư tưởng lớn trên thế giới. Ông có công đặt nền công thương nghiệp đầu tiên của Sài Gòn – Gia Định, sáng lập tổ chức Hội Y học đầu tiên của Việt Nam. Sự nghiệp văn học, báo chí, nghệ thuật của ông cũng to lớn, chiếm gần hết cuộc đời yêu nước của ông, nổi lên những tư tưởng truyền thống văn hoá đạo đức nhân ái, dân tộc, chống thực dân xâm lược, đả kích những kẻ phản dân hại nước, tay sai... ông góp phần chấn chỉnh hát bội, đặt nền móng cho cải lương Nam Bộ. ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị như Quốc Văn Hồn, Trương Vĩnh Ký hành trạng, Hán Văn thi tập, Việt Âm thi tập, Trí y tiện dụng, Tâm quyển giải, Tâm Bổn Mễ Thương, Nhân Hoà thiền hội, Canh Hoang biến pháp, Chửng Mạnh tân biến, Trừ diêm thuế dĩ hồ nông bổn, Lập hội thuyết....v.v”.

          Lịch sử thành phố mãi khắc ghi sự nghiệp công đức và những cống hiến cao quý của ông cho đất nước.

Danh sách mới hơn
Danh sách cũ hơn