Trang chủDanh nhân – nhân vật lịch sửThái Nhạc Quận công Đặng Hiệt (Đặng Sỹ Hàn)

Thái Nhạc Quận công Đặng Hiệt (Đặng Sỹ Hàn)

Thứ Tư, 01/10/2014

Thái Nhạc quận công Ðặng Hiệt (1730 - 1777), người thôn Văn Liêu, xã Uy Viễn, người thôn Văn Liêu, xã Uy Viễn. Thôn Văn Liêu, sau Cách mạng tháng Tám đổi thành thôn Tiên Hoà, sát nhập về xã Tiên Ðiền. Năm 1989, thành lập thị trấn Nghi Xuân, thôn Văn Liêu thuộc địa phận khối 3 đơn vị hành chính này.

Ðặng Hiệt tên chữ là Sỹ Hàn, hiệu là Bác Ái Ðường, con thứ tư của Hoành từ Thiếu Bảo Liêu quận công Ðặng Sỹ Vinh. Theo gia phả họ Ðặng thì thời niên thiếu Ðặng Hiệt thông minh, chăm chỉ học tập cả văn lẫn võ. Khoa thi năm Quý Dậu (1753) đời Cảnh Hưng thi đỗ Tam trường, được bổ chức Tri châu Kỳ Sơn (Nghệ An). Về sau đổi sang ngạch quan võ. Năm Ðinh Hợi (1767), thuộc quyền chỉ huy của Lân Trung hầu Nguyễn Phán, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm. Ðặng Hiệt được chủ tướng phái ra Thanh Hoá mộ binh sỹ rồi đem quân đánh quân Trấn Ninh xâm nhập vùng biên giới các huyện Hương Sơn, Thanh Chương. Nhờ lập được công to về việc đánh dẹp quân phản loạn nên Ðặng Hiệt được vua Lê Hiển Tông, chúa Trịnh Sâm tin dùng, cân nhắc, thắng tiến rất nhanh trên đường binh nghiệp.

Dưới triều vua Cảnh Hưng, Ðặng Hiệt từng giữ chức Minh Nghị tướng quân táo trung tước đội thuỷ ngân, Tổng Binh sứ thăng làm Tổng Binh đồng trị, phong hàm Anh liệt tướng quân, tước Thái Nhạc hầu. Tiếp đó lại được thăng chức Ðô chỉ huy sứ tước Thái Nhạc quận công, thay Ðoan quận công Bùi Thế Ðạt giữ chức Tổng binh trấn thủ Nghệ An kiêm đốc vận quân lương cho chúa Trịnh đi đánh dẹp chúa Nguyễn ở Thuận Hoá. Trong thời gian trấn thủ Nghệ An, ông cùng chúa là Tham lĩnh Nghệ An Nguyễn Khản đã dâng triều đình 4 điểm điều trần cải cách tiến bộ như sau:

- Cấp tiền gạo di dời dân đói ở Nghệ An ra Thanh Hoá khẩn trương lập làng và mở xưởng đúc tiền ở Vĩnh Doanh để dân đổi tiền cũ lấy tiền mới.

- Mở cửa biển cho tàu buôn chở hàng hoá đến Nghệ An buôn bán.

- Mở đường Châu Quỳ Hợp - Trấn Ninh cho phép dân được thông thương buôn bán với Ai Lao.

- Cho phép thuyền buôn chở gạo đến Nghệ An trao đổi và miễn thuế xuất nhập khẩu.

Những điểm cải cách trên được triều đình Lê - Trịnh phê duyệt và giao cho Ðặng Hiệt cùng Nguyễn Khản đôn đốc thực hiện. Nhờ vậy mà nạn đói lúc ấy ở Nghệ An có phần giảm bớt. Ðặng Hiệt được vua chúa ban cho tấm biển đề 3 đại từ: "Bác Ái Đường", có nghĩa là người yêu thương tất cả mọi người. Và cho tiền của, quân sỹ về quê lập sinh đường. Nhưng cải cách đang tiến hành thuận lợi thì Ðặng Hiệt mất đột ngột tại nhiệm sở Vĩnh Doanh khi mới 47 tuổi. Nhờ những công lao đóng góp cho triều đình, sau khi mất Thái Nhạc quận công Ðặng Hiệt được các triều đại Lê - Nguyễn tôn làm phúc thần ở xã Uy Viễn với sắc phong: "Dực Bảo Trung Hưng Linh Phú Tôn Thần, Gia Tước Ðoạn Túc", lập từ đường cấp lộc điền và giao cho làng xã tế lễ theo nghi thức nhà nước.

Trước đây từ đường Ðặng Hiệt ở cổng chợ Giang Ðình ngày nay. Từ đường có kiến trúc kiểu chữ nhị. Trước mắt từ đường có hòn non bộ rất lớn. Tả hữu có hồ chữ khẩu và hồ bán nguyệt. Hướng của từ đường đặt về phương Nam đối diện với núi Hồng Lĩnh. Dòng sông Lam chảy ở phía Bắc từ đường. Xưa từ đường Thái Nhạc quận công có rất nhiều biển cờ, hoành phi ví như: "Bác Ái Ðường" "Anh Liệt Tướng Quân", "Kiệt Tiết Tướng Quân", "Thiên Thu Chính Khí", "Tế Ư Tại", "Tư Ư Tại", và cấu đối nhiều đồ tế khí như gươm, đao, mã tấu, trường côn, roi,…

Những năm 70 của thế kỷ 20, từ đường Thái nhạc quận công được con cháu hậu duệ đời thứ 7 và thứ 8 dời về phíaTây - Bắc chợ Giang Ðình mới để thực hiện chủ trương kiến thiết cơ sở hạ tầng của địa phương. Tòa bái đương đã được dỡ bỏ, nay chỉ còn lại thượng điện chừng 30m2 đã qua nhiều lần sửa chữa. Hiện trạng từ đường ở trong khuôn viên rộng chừng 100m2, sân có mộ Thái Nhạc quận công Ðặng Hiệt và mộ đô đốc đô lực sỹ hiệu uý Kiệt Tiết tướng quân Ðặng Quốc Ðống, là con trưởng của Thái Nhạc quận công. Kiết tướng tiết quân là người tài giỏi, thức thời phò tá vua Quang Trung đại phá quân Thanh lập đươc võ công vang dội và được vua Quang Trung yêu mến. Ông thay đô đốc Trần Quang Diệu làm trấn thủ Nghệ An. Khi Nghệ An thất thủ, vương triều Tây Sơn sụp đổ,  Kiệt tiết tướng quân kiên quyết chống lại quân Nguyễn Ánh nhưng cuối cùng bị bắt và sáy hại rất man rợ. Hài cốt bị mất, con cháu phải làm mộ giả tại từ đường.

Hiện nay tại từ đường Thái Nhạc quận công đang giữ được 2 chiếc thẻ hiệu lệnh vua ban. Thẻ có chữu khảm trai theo lối chữ triện đề: "Tĩnh - Túc - Hội - Tụ", 3 bộ long ngai, bài vị và 2 thanh mã tấu. Ngoài ra từ đường có hoành phi. "Bác Ái Ðường" và "Anh Liệt Tướng Quân". Từ đường có câu đối ngoài cổng:

-         Xa Tứ đình lư tri tổ đức

-         Y quan môn hộ kiến tôn công

Mặt tiền từ đường: trên cùng có 3 chữ Hán: "Nam Dương Quận” và phía dưới có 3 câu đối:

-         Sơn Vi Chương Ðức cựu môn phong  / Hồng Lĩnh Lam Giang tân địa quyết

-         Phụ quốc huân danh thùy trúc bạch   /   Yên nhưng tích tự bá hà sơn

-         Võ lược anh huy sinh thụ tướng  /   Văn khoa bảng giáp tử tôn thần

Bên trong có câu đối:

-         Tước long triều trụ thiên ân đại   /  Cảnh đối Hồng Sơn địa vọng cao.

Ngoài ra còn có một số câu đối khác ca ngợi công đức Thái Nhạc quận công và Kiệt Tiết tướng quân. Ðến nay tại từ đường còn hom sắc và 3 đạo sắc phong khác với các dòng họ ở vùng này, vào dịp 23 tháng 3 hàng năm, con cháu Thái Nhạc quận công Ðặng Hiệt tế lễ rất long trọng. Còn dịp rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) rằm tháng 7 (Tiết Vu Lan) định lễ con cháu tới từ đường dâng hương, tộc trưởng và hội đồng tộc biểu không tổ chức cúng tế.

Dương Anh Đức

Danh sách cũ hơn