Trang chủDanh nhân – nhân vật lịch sửChí sĩ Đặng Thái Thân (1873 – 2013)

Chí sĩ Đặng Thái Thân (1873 – 2013)

Thứ Hai, 28/10/2013

Huỳnh Thúc Kháng đề cao ông: "Người khảng khái, trầm tĩnh, học vấn uyên bác, đởm thức hơn người; cái năng lực gánh nặng đi đường xa không lộ ra ngoài, không phải là người đồng chí tâm giao thì không ai biết là người thế nào. Cụ Sào Nam ở ngoài, sau Tây Hồ và Tiểu La bị đày, mà trong khoảng vài năm phong trào Đông học còn ảnh hưởng lừng lẫy không dứt, chính nhờ sức Ngư Hải".

Đặng Thái Thân (hiệu Ngư Hải), sinh năm 1873 tại quê làng Hải Côn (nay là xóm Phong Cảnh) huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà Nho làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Cụ thi đỗ đầu xứ nên gọi là “đầu xứ Đặng”, là học trò và đồng chí của chí sỹ Phan Bội Châu.

Năm 1904, Đặng Thái Thân cùng với Phan Bội Châu và một số nhà yêu nước khác lập ra Hội Duy Tân, xướng xuất phong trào Đông Du. Cụ là cánh tay đắc lực của cụ Phan Bội Châu, lo công việc của Hội Duy Tân từ Huế trở ra.

Trong Hội Duy Tân, Đặng Thái Thân đóng vai trò trọng yếu. Khi cụ Phan Bội Châu đưa du học sinh sang Nhật, cụ là người trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước. Cụ vào Nam ra Bắc tuyên truyền nhân dân hưởng ứng công cuộc Duy Tân, vận động thanh niên du học; gặp gỡ vận động các sỹ phu, các nhà Nho yêu nước tham gia hoạt động và giúp đỡ phong trào; gây dựng ngân quỹ, tích trữ kho lương, mua sắm vũ khí, chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kháng chiến giải phóng quê hương đất nước. Phong trào ngày càng lên cao và lan rộng ra khắp cả nước. Đông đảo các tầng lớp nhân dân và sỹ phu yêu nước nhiệt liệt hưởng ứng. Thực dân Pháp điên cuồng cấu kết với chính quyền bù nhìn tay sai tăng cường đàn áp, bắt bớ, tra tấn, sát hại nhằm dập tắt phong trào.

Năm Mậu Thân 1908, cụ rút vào núi tạm lánh. Một đêm, cụ về làng Phan Thôn, nay là xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thăm nhà thì có kẻ chỉ điểm nên  đã bị giặc Pháp bao vây. Trước tình thế nguy biến, để bảo vệ tài liệu mật và kiên quyết không để giặc bắt, cụ trở súng tự sát sau khi bắn chết 2 tên tay sai. Lúc này, Đặng Thái Thân mới tròn 37 tuổi. Thực dân Pháp đã cho kéo lê thi thể cụ từ huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh.

Cái chết oanh liệt của Đặng Thái Thân là một tổn thất to lớn cho tổ chức, cho phong trào, để lại lòng xót thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào. Khâm phục ý chí kiên cường và đức hy sinh cao cả của Đặng Thái Thân nên nhân dân đã bí mật chôn cụ ở thành phố Vinh. Sau này cụ Phan Bội Châu đã đưa hài cốt của cụ Đặng Thái Thân về chôn cất ở quê vợ tại cánh đồng Bầu Nón, làng Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn).

Phan Bội Châu ghi về ông: “Đặng quân vốn người hăng hái gan dạ, nhân phẩm lại cao, trải mười năm vừa là thầy vừa là bạn tôi” (Ngục Trung Thư).

Huỳnh Thúc Kháng đề cao ông: “Người khảng khái, trầm tĩnh, học vấn uyên bác, đởm thức hơn người; cái năng lực gánh nặng đi đường xa không lộ ra ngoài, không phải là người đồng chí tâm giao thì không ai biết là người thế nào. Cụ Sào Nam ở ngoài, sau Tây Hồ và Tiểu La bị đày, mà trong khoảng vài năm phong trào Đông học còn ảnh hưởng lừng lẫy không dứt, chính nhờ sức Ngư Hải. Trong miền Nam thì có Sơn Tẩu (Đỗ Đăng Tuyển) và Nam Xương (Thái Phiên). Từ khi Ngư Hải mất, cụ Sào Nam như mất cánh tay, cái dây liên lạc trong ngoài bị đứt đoạn” (Thi tù tùng thoại).

Theo Hồ Hà

Danh sách mới hơn
Danh sách cũ hơn