Trang chủHoạt động dòng họBáo cáo của Hội đồng Đặng tộc Việt Nam tại Đại hội Đại biểu họ Đặng toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2017 – 2022

Báo cáo của Hội đồng Đặng tộc Việt Nam tại Đại hội Đại biểu họ Đặng toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2017 – 2022

Thứ Hai, 19/06/2017

Họ Đặng là dòng họ thuần Việt lâu đời, có nguồn gốc từ thời Hùng Vương với nhiều đạo sắc phong và tư liệu cổ nay còn lưu giữ tại các tàng thư quốc gia. Trải qua hàng ngàn năm, họ Đặng của chúng ta đã cống hiến cho tổ quốc những nhân vật lịch sử làm rạng danh non song, đất nước. Từ đức Tổ Đặng Phúc Mãn đến cha con Tể tướng Đặng Tất, Đặng Dung; Tiến sỹ Đặng Nghiêm, Thái úy Nghĩa Quốc công Đặng Huấn, Trạng nguyên Đặng Công Chất, Thám hoa Đặng Ma La, Đô đốc triều Tây Sơn Đặng Tiến Đông, Ứng Quận công Đặng Đình Tướng; đến học giả Đặng Thai Mai, nhà hoạt động cách mạng Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh), nhà toán học Đặng Đình Áng, nhà thơ Đặng Đình Hưng, Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Lương Mô, NSND Đặng Thái Sơn v..v và rất nhiều các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao, kinh tế, giáo dục nổi tiếng khác.

 

HỌ ĐẶNG VIỆT NAM

ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV

***

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập -Tự do - Hạnh phúc

____________________________________

Bình Định, ngày 04 tháng 6 năm 2017

 

BÁO CÁO

CỦA HỘI ĐỒNG ĐẶNG TỘC VIỆT NAM

TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỌ ĐẶNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ IV

NHIỆM KỲ 2017 – 2022

 

Họ Đặng là dòng họ thuần Việt lâu đời, có nguồn gốc từ thời Hùng Vương với nhiều đạo sắc phong và tư liệu cổ nay còn lưu giữ tại các tàng thư quốc gia. Trải qua hàng ngàn năm, họ Đặng của chúng ta đã cống hiến cho tổ quốc những nhân vật lịch sử làm rạng danh non song, đất nước. Từ đức Tổ Đặng Phúc Mãn đến cha con Tể tướng Đặng Tất, Đặng Dung; Tiến sỹ Đặng Nghiêm, Thái úy Nghĩa Quốc công Đặng Huấn, Trạng nguyên Đặng Công Chất, Thám hoa Đặng Ma La, Đô đốc triều Tây Sơn Đặng Tiến Đông, Ứng Quận công Đặng Đình Tướng; đến học giả Đặng Thai Mai, nhà hoạt động cách mạng Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh), nhà toán học Đặng Đình Áng, nhà thơ Đặng Đình Hưng, Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Lương Mô, NSND Đặng Thái Sơn v..v và rất nhiều các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao, kinh tế, giáo dục nổi tiếng khác.

Trong nhiều năm qua, dưới sự tập hợp, kết nối và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Đặng tộc Việt Nam mà tiền thân là Ban Liên lạc họ Đặng toàn quốc, người họ Đặng ở khắp nơi trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống và phẩm chất “Đức – Trí – Dũng – Hiếu – Trung” của dòng họ hăng hái tham gia các phong trào yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới theo định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

   

PHẦN THỨ NHẤT

 

I. KIỂM ĐIỂM TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TỪ SAU ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ III ĐẾN NAY.

1. Về công tác tổ chức của Hội đồng Đặng tộc Việt Nam khóa III:

+ Đại hội Đại biểu toàn quốc họ Đặng Việt Nam lần thứ III được tiến hành vào ngày 19/9/2014 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đại hội đã hiệp thương, chọn cử 199 ủy viên Hội đồng Đặng tộc Việt Nam, bầu Ban Thường trực và các Ban chuyên môn của Hội đồng.

+ Công tác nhân sự tại Đại hội III được tiến hành khá chủ quan, đơn giản. Thường trực HĐ ĐTVN khóa II không xây dựng được Đề án nhân sự khóa III trình Đại hội. Việc hiệp thương nhân sự không theo quy trình, thậm chí tùy tiện trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt đã gây những bức xúc và tranh cãi ngay tại Đại hội.

+ Sau Đại hội, Hội đồng khóa III không xây dựng được Quy chế làm việc nên dẫn đến việc tùy tiện, vô nguyên tắc trong công tác tổ chức. Mối quan hệ giữa các Ban chuyên môn và Ban Thường trực không rõ ràng. Đặc biệt là coi Thường trực như một bộ phận giúp việc và có quyền giải thể bất kỳ lúc nào, cách chức bất kỳ cá nhân nào theo ý chí chủ quan của người đứng đầu.

+ Việc sửa đổi và ban hành Tộc ước không được bàn bạc, thảo luận và lấy ý kiến sâu rộng trong dòng họ, nên đã hình thành một bản Tộc ước không phù hợp với sinh hoạt dòng tộc, trái với di huấn tổ tiên và tạo dựng vị trí độc tôn của Tộc trưởng toàn quốc, áp đặt nhiều nội dung và chế tài trong hoạt động dòng họ, gây ra những phản ứng trái chiều trong suốt thời gian dài.

+ Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường trực mà đặc biệt là của Chủ tịch HĐ ĐTVN không được quy định cụ thể nên đã có nhiều quyết định được ban hành đơn phương từ Chủ tịch trái với những nguyên tắc cơ bản của một tổ chức dòng họ, đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của tập thể HĐ ĐTVN. Ban Thường trực và một số Ban chuyên môn của Hội đồng về cơ bản bị vô hiệu hóa bởi cách điều hành của Chủ tịch và Tổng Thư ký HĐ ĐTVN.

+ Từ năm 2014 đến nay, Hội đồng ĐTVN khóa III chưa duy trì được sinh hoạt định kỳ, mặc dù xuất hiện nhiều vấn đề nảy sinh, mâu thuẫn ngày càng gia tăng từ quan điểm đến hành động, từ nhẹ đến nặng và từ những vấn đề đơn giản đến phức tạp. Tổ chức Hội đồng ĐTVN đứng trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn, đánh mất những thành quả đã dày công xây dựng hơn 20 năm qua.

+ Từ sau Đại hội III đến nay, công tác tổ chức nhân sự, công tác điều hành, công tác tài chính và đặc biệt là các đơn thư khiếu nại, tố cáo về tư cách, trách nhiệm của người đứng đầu HĐ ĐTVN cũng như cách làm việc và các văn bản sai nguyên tắc của Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐ ĐTVN đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổ chức Đặng tộc Việt Nam, tổn hại đến khối đoàn kết, uy tín và thanh danh của dòng họ.

+ Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của chúng ta là sớm có giải pháp quyết liệt để kiện toàn, củng cố tổ chức và hoạt động, khắc phục các khuyết điểm, yếu kém; từng bước kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng mất đoàn kết và những tổn hại đối với tổ chức và hoạt động của dòng họ; đưa ra những hình thức xử lý thích đáng, đúng người, đúng việc, lấy lại niềm tin của bà con họ Đặng cả nước.

2. Về một số sai lầm, khuyết điểm của người đứng đầu HĐ ĐTVN khóa III:

Từ sau Đại hội III, những yếu kém và sai phạm trong công tác điều hành hoạt động họ tộc của người đứng đầu HĐ ĐTVN khóa III bộc lộ rõ nét, càng về sau càng trầm trọng, cụ thể:

+ Những sai sót trong quá trình xây dựng và quyết toán nhà thờ Đặng tộc Linh từ tại Thái Bình theo đơn thư tố cáo không được giải quyết kịp thời đã tạo nên sự nghi ngờ và phân tâm trong cộng đồng người họ Đặng, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc vận động xây dựng, trùng tu nhà thờ, đền thờ, từ đường của cả nước; tổn hại đến uy tín của HĐ ĐTVN cũng như thanh danh dòng họ.

+ Việc tự ý sửa đổi nội dung của Tộc ước họ Đặng, tự phong chức danh Tộc trưởng và đưa vào Tộc ước họ Đặng nhiều nội dung phản cảm, trái với di huấn của tổ tiên. Cố ý làm lẫn lộn giữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch HHĐ ĐTVN với vai trò, vị trí và quyền hạn của một Tộc trưởng đứng đầu họ Đặng cả nước, với ý đồ tạo dựng vị trí độc tôn, độc vị và độc tài  của cá nhân Chủ tịch trong dòng họ Đặng cả nước.

+ Quyết định đưa tổ chức Họ Đặng Việt Nam trực thuộc CLB Unessco Văn hóa các dòng họ với những thỏa thuận giữa cá nhân ông Đặng Văn Thảo và CLB Unessco Văn hóa các dòng họ. Biến họ Đặng Việt Nam từ một tổ chức truyền thống trở thành thành viên tập thể của một thiết chế văn hóa đa phong cách, thiên về nghiên cứu và phương pháp nghiệp vụ.

+ Ban hành các quyết định sai nguyên tắc liên quan đến công tác nhân sự chủ chốt của Hội đồng và Thường trực Hội đồng như cách chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐ ĐTVN Đặng Ngọc Oanh; Quyết định giải thể Thường trực HĐ ĐTVN và bãi nhiệm đối với các vị Phó Chủ tịch phụ trách các vùng, miền v..v.

+ Ban hành nhiều văn bản sai thể thức, trái quy định, đặc biệt có những văn bản mang tính chất đe dọa những cá nhân có ý kiến phản biện, góp ý. Tùy tiện viện dẫn và mang các Nghị quyết của BCH TW Đảng, lấy các cơ quan pháp luật nhà nước ra đe dọa các ý kiến phản biện, góp ý xây dựng họ tộc.

+ Phát động phong trào đả kích, bôi nhọ các Ủy viên HĐ ĐTVN cũng như đồng tộc trên các trang mạng bằng những lời lẽ hết sức nặng nề, thiếu văn hóa. Đồng thời thực hiện các thủ đoạn tuyên truyền, đầu độc và sử dụng lực lượng thanh niên Đặng tộc Hà Nội như một công cụ cực đoan của phong trào này trên mạng xã hội. Phát tán các bài viết, văn bản công kích, bêu xấu và đe dọa các thành viên chân chính của HĐ ĐTVN cũng như HĐĐT các tỉnh, thành phố.

+ Không có thiện chí trong quá trình hòa hợp HĐ ĐTVN và Hội đồng Gia tộc họ Đặng Việt Nam; chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các bài viết công kích bà con họ Đặng gốc Trần, khoét sâu những vấn đề khác biệt giữa hai phía, gây phân tâm và chia rẽ ngày càng nghiêm trọng trong đồng tộc.

+ Trốn tránh trách nhiệm người đứng đầu, trì hoãn trong thời gian dài không triệu tập Hội nghị Thường trực và Hội nghị HĐ ĐTVN. 8 lần không tham dự Hội nghị do Thường trực mời, đặc biệt không tham gia Hội nghị HĐ ĐTVN tại Hải Phòng ngày 12/9/2015, Hội nghị Đà Nẵng v…v để giải quyết các vấn đề nảy sinh ngày càng nghiêm trọng của HĐ ĐTVN và dòng họ.

+ Từ chối vai trò người chủ trì đối với Hội nghị Thường trực HĐ ĐTVN ngày 18/9/2016 tại Nhà thờ Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội. Từ chối tham gia tất cả các hội nghị cũng như các hoạt động của Thường trực HĐ ĐTVN, các hoạt động tại các tỉnh, thành phố trong đó có các cuộc gặp do Chủ tịch danh dự HĐ ĐTVN thu xếp để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn nội bộ tại Pleiku ngày 02/5/2017.

+ Tự ý triệu tập các Hội nghị HĐ ĐTVN lần thứ 3, 4 và các Hội nghị họ Đặng toàn quốc lần thứ 7, 8; đặc biệt nghiêm trọng là việc triệu tập Hội nghị 8 khi không còn chức danh Chủ tịch HĐ ĐTVN khóa III, với ý đồ gây chia rẽ đồng tộc và tham vọng tiếp tục ở lại chức danh Chủ tịch HĐ ĐTVN và Tộc trưởng họ Đặng Việt Nam. Đánh lừa bà con và Chủ tịch Danh dự Đặng Phước Thành trong việc chuyển giao chức danh Chủ tịch HĐ ĐTVN cho ông Đặng Trọng Hải tại Huế ngày 7/5/2017.

+ Tự ý thành lập Tổ Tư vấn Hội đồng ĐTVN nhằm dung túng, bao che những việc làm sai trái của bản thân, kích động thực hiện mục tiêu chia rẽ nội bộ HĐ ĐTVN và bà con họ Đặng thành phố Hồ Chí Minh. Phân biệt đối xử với các vùng, miền đặc biệt là thờ ơ và vô trách nhiệm đến quá trình xây dựng Đền thờ Đặng tộc Miền Trung. Nhẫn tâm hơn là việc công kích ông Đặng Đình Dung trong việc tôn thờ Công bộ Thị lang Tiến sĩ Đặng Nghiêm tại  Đền thờ Đặng tộc Miền Trung đã gây phẫn nộ trong bà con đồng tộc.

+ Có dấu hiệu lợi dụng tình cảm, niềm tin của bà con họ Đặng đối với chức danh đứng đầu HĐ ĐTVN để tiến hành các hoạt động kinh tế trái pháp luật, các hoạt động tâm linh mang dụng ý cá nhân, các nghiên cứu và bài viết chắp vá, sao chép về họ Đặng Việt Nam. Coi thường lễ nghi, phép tắc dòng họ, xuất hiện trước các sự kiện của dòng họ với phong cách và trang phục phản cảm.

+ Không có bất kỳ một tín hiệu thái độ hay hành động khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Không nhận ra trách nhiệm của bản thân mình – một người đứng đầu tổ chức họ Đặng Việt nam – đối với tình trạng ngày càng nghiêm trọng của  Hội đồng ĐTVN và cả dòng họ.

3. Phân tích nguyên nhân:

+ Nguyên nhân chủ quan:

- Là sự tùy tiện, độc quyền, độc đoán, mất dân chủ của người đứng đầu trong điều hành công tác tổ chức và hoạt động dòng họ.

- HĐ ĐTVN khóa III không có một Quy chế đầy đủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của HĐ và Thường trực HĐ.

- Đại hội III không quyết nghị được những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để phấn đấu thực hiện. Hoạt động nói chung không có kế hoạch và chương trình hành động.

- Các mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời, thấu đáo nên hình thành điểm nóng và gây bức xúc kéo dài trong Hội đồng cũng như bà con họ Đặng.

- Tính đấu tranh phê bình, tự phê bình trong Hội đồng và Thường trực còn chưa cao, để người đứng đầu tùy tiện và bất chấp nguyên tắc trong điều hành.

- Biểu hiện cả nể và tật sùng bái cá nhân đã gây ra những hệ lụy khôn lường từ công tác họ tộc đến hoạt động kinh tế giữa các cá nhân trong họ Đặng.

- Khi xảy ra mâu thuẫn, người đứng đầu là Chủ tịch HĐ ĐTVN khóa III không dám nhìn thẳng vào sự thật, không đánh giá đúng sự thật, luôn lẩn tránh và không đưa ra được bất kỳ một giải pháp nào khả thi giải quyết tình hình họ tộc.

- Khi bất đồng lên cao, người đúng đầu lại sử dụng các quyết định hành hành chính để giải tán Thường trực, cách chức, bãi nhiệm một số Phó Chủ tịch v…v gây nên bất đồng sâu sắc trong nội bộ.

+ Nguyên nhân khách quan:

- Ảnh hưởng của các mâu thuẫn cá nhân giữa người đứng đầu HĐ ĐTVN khóa III với một số cá nhân chủ chốt của Hội đồng và Thường trực Hội đồng qua việc làm ăn kinh tế vừa là nguyên nhân mang tính khách quan, vừa có nội hàm chủ quan.

- Tính chất của hoạt động dòng họ đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với bộ máy tổ chức, đặc biệt là năng lực lãnh đạo điều hành cũng như phẩm chất đạo đức, uy tín của người đứng đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, vài trò và uy tín của Chủ tịch HĐ ĐTVN ngày càng giảm sút trên các phương diện lãnh đạo, điều hành và cả phẩm chất, tư cách đạo đức, lối sống.

- Tác động của mạng xã hội rất lớn đối với thông tin hoạt động dòng họ và các vấn đề nảy sinh của HĐ ĐTVN, đặc biệt là quá trình kết nối họ tộc. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với những người lãnh đạo tổ chức họ Đặng Việt Nam. Qua mạng xã hội, xuất hiện những thông tin, quan điểm nhiều chiều, phát hiện nhiều vấn đề mới của lịch sử họ tộc song cũng đã gây nên những tranh cãi đáng tiếc của một số bộ phận người họ Đặng.

- Lớp trẻ họ Đặng ngày nay quan tâm nhiều hơn đến hoạt động dòng họ. Một bộ phận người lớn tuổi đã bộc lộ những sai sót về quan điểm cũng như hành động, về trình độ năng lực và đạo đức tư cách khiến tuổi trẻ hoang mang, nghi ngờ, phân tâm và chia rẽ.

- Phương thức hoạt động của lớp trẻ họ Đặng hiện nay khá phong phú, có chiều sâu và đa dạng, trong khi đó HĐ ĐTVN hầu như chưa sẵn sàng trong việc giáo dục tư tưởng và hướng dẫn phương pháp hoạt động cho các CLB Thanh niên họ Đặng để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐÃ THỰC HIỆN.

1. Ngày 18/9/2016, Thường trực HĐ ĐTVN đã tổ chức Hội nghị Hà Trì và quyết nghị những công việc cấp bách sau:

+ Đề xuất việc tiến hành ngay Hội nghị đặc biệt của HĐ ĐTVN để tập trung tháo gỡ các vấn đề bức xúc, trong đó có đơn thư tố cáo Chủ tịch Đặng Văn Thảo.

+ Đề nghị sửa đổi và ban hành Quy chế hoạt động của HĐ ĐTVN, Tộc ước họ Đặng Việt Nam.

+ Không tán thành việc đưa tổ chức họ Đặng Việt Nam làm thành viên tập thể của CLB Unessco Văn hóa các dòng họ.

+ Kiến nghị xem xét trách nhiệm của từng thành viên chủ chốt HĐ ĐTVN và Thường trực, từ đó đưa ra kết luận xử lý đúng người đúng việc.

+ Yêu cầu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự chủ chốt của Hội đồng trong đó có Chủ tịch HĐ ĐTVN để làm cơ sở kiện toàn HĐ ĐTVN và Thường trực trước khi tiến hành Đại hội toàn quốc.

+ Thống nhất cao việc ủy quyền cho bất kỳ một Phó Chủ tịch Thường trực nào trách nhiệm và quyền hạn triệu tập Hội nghị Thường trực (với trên 50% số ủy viên Thường trực đồng ý).

2. Ngày 26, 27/11/2016, Thường trực HĐ ĐTVN đã tiến hành Hội nghị giữa nhiệm kỳ (mở rộng) tại Đền thờ họ Đặng Miền Trung  - Thôn Trung Lý, Xã Nhơn Phong, Thị xã An Nhơn, Tỉnh Bình Định. Hội nghị đã quyết nghị những vấn đề lớn quan trọng như sau:

+ Kiểm điểm và đánh giá tổng quát tình hình hoạt động của HĐ ĐTVN từ sau Đại hội III.

+ Nhận định và kết luận về các sai phạm trong công tác điều hành tổ chức HĐ ĐTVN của ông Đặng Văn Thảo với vai trò người đứng đầu.

+ Bỏ phiếu bất tín nhiệm chức danh Chủ tịch HĐ ĐTVN đối với ông Đặng Văn Thảo (tỷ lệ phiếu bất tín nhiệm là 100%).

+ Bỏ phiếu tín nhiệm bầu ông Đặng Văn Thử, Phó Chủ tịch Thường trực HĐ ĐTVN – Chủ tịch HĐ ĐT tỉnh Bình Định vào chức danh Chủ tịch Lâm thời HĐ ĐTVN (tỷ lệ phiếu bầu nhất trí 100%).

+ Quyết định việc tổ chức Đại hội Đại biểu họ Đặng toàn quốc lần thứ IV sớm trước nhiệm kỳ và xem đây là một giải pháp cơ bản nhất để giải quyết tình trạng hiện nay của dòng họ.

+ Giao nhiệm vụ dự thảo Quy chế và Tộc ước họ Đặng Việt Nam cho Tổ công tác của Thường trực.

3. Ngày 4/3/2017, Thường trực HĐ ĐTVN tiến hành Hội nghị mở rộng tại Măng Đen, Kon Tum và quyết nghị những nội dung chủ yếu sau:

+ Nghe báo cáo lần thứ nhất về dự thảo Quy chế hoạt động của HĐ ĐTVN và Tộc ước họ Đặng Việt Nam.

+ Nghe báo cáo về dự thảo Kế hoạch tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV họ Đặng Việt Nam (Đại hội sớm trước nhiệm kỳ).

+ Nghe báo cáo về dự thảo Đề án nhân sự Hội đồng ĐTVN khóa IV, nhiệm kỳ 1017 – 2022.

+ Thông qua đề cương Báo cáo của HĐ ĐTVN khóa III trình Đại hội IV.

+ Quyết định thành lập Ban tổ chức và các tiểu ban giúp việc Đại hội IV.

+ Thông qua Kế hoạch cuộc hành hương kết nối họ Đặng phía Bắc và Hiệp thương nhân sự bước 1.

4. Cuộc hành hương kết nối họ Đặng các tỉnh phía Bắc và Hiệp thương nhân sự bước 1 do Thường trực HĐ ĐTVN tổ chức:

+ Thời gian hành trình kép dài hơn 3 tuần, ghé thăm và làm việc với nhiều địa phương và nhà thờ, từ đường các tỉnh, thành phố phía Bắc.

+ Nội dung làm việc: Thăm hỏi, kết nối đồng tộc, tìm hiểu các chi họ, phả tộc. Thông báo về tình hình hoạt động của HĐ ĐTVN và Kế hoạch Đại hội trước nhiệm kỳ. Tiếp nhận giới thiệu nhân sự từ cơ sở để hiệp thương bước 1 vào Hội đồng ĐTVN khóa IV.

5. Ngày 24/3/2017, tại Phủ thờ họ Đặng Lương Xá, xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội; Hội đồng Đặng tộc Việt Nam (HĐ ĐTVN) và Hội đồng gia tộc họ Đặng Việt Nam (HĐGT – HĐVN) đã có cuộc gặp mặt lãnh đạo chủ chốt. Hai bên đã thảo luận và thống nhất một số nội dung như sau:

+ Họ Đặng Việt Nam chỉ có một, song trên thực tế 18 năm qua đang tồn tại hai tổ chức lãnh đạo hoạt động họ tộc là HĐ ĐTVN và HĐGT – HĐVN. Quá trình tồn tại hai tổ chức họ Đặng Việt Nam đã tạo nên sự phân tâm và bức xúc trong dòng họ. Việc hợp nhất hai tổ chức HĐ ĐTVN và HĐGT – HĐVN là đòi hỏi mang tính khách quan tất yếu, là truyền thống đoàn kết của dòng họ. Đó cũng là ý chí, nguyện vọng của bà con họ Đặng cả nước giao cho hai bên Hội đồng thực hiện.

+ Hai bên thấu triệt tinh thần của tổ tiên để lại: “Đặng tính giả, cử quốc giai nhiên”; “Nam quốc bất hữu Đặng tộc, như hữu Đặng tộc, tất ngã tự tôn”. Ở Việt Nam tất cả mọi người đã mang họ Đặng đều là anh em một nhà. Hai bên lấy tinh thần đó làm kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động để đi đến hợp nhất hai tổ chức họ Đặng hiện thời.

+ Việc thực hiện hợp nhất hai tổ chức HĐ ĐTVN và HĐGT – HĐVN dựa trên nguyên tắc chung là lấy đại nghĩa và truyền thống tốt đẹp của tổ tiên làm điểm tương đồng, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chấp nhận những khác biệt và tôn trọng lịch sử, di sản của tổ tiên để lại tại các nơi thờ tự của dòng họ ở các địa phương trong cả nước. Phát huy thế mạnh của cả hai bên và nhân sự lãnh đạo, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và kinh nghiệm điều hành.

+ Hai bên thống nhất dừng lại tất cả những tranh luận, những ý kiến còn khác nhau về lịch sử dòng họ, gia phả các hệ phái của họ Đặng, đặc biệt là các quan niệm xưa cũ phân biệt họ Đặng gốc Trần và họ Đặng chính thống. Tập trung vào việc hợp nhất hai tổ chức để thống nhất chủ trương chỉ đạo và tổ chức thực hiện công việc của họ tộc cả nước trong giai đoạn lâm thời và giai đoạn chính thức sau này.

+ Hai bên thống nhất xây dựng các nguyên tắc ứng xử cơ bản là “đồng thuận về quan điểm, đồng thuận về phát ngôn và đồng thuận về hành động” để tiến tới việc hợp nhất hai tổ chức; phấn đấu hoàn thành việc hợp nhất hai tổ chức chậm nhất vào năm 2019.

+ Để tiến hành công việc, hai bên nhất trí thành lập “Ban trù bị hợp nhất tổ chức họ Đặng Việt Nam” để triển khai các bước công việc xây dựng đề án hợp nhất hai tổ chức họ Đặng Việt Nam, phương án nhân sự và kế hoạch hiệp thương nhân sự lãnh đạo tổ chức họ Đặng trong giai đoạn lâm thời và giai đoạn chính thức. Xây dựng kế hoạch hội nghị hợp nhất hai tổ chức họ Đặng Việt Nam.

+ Hai bên kêu gọi bà con họ Đặng cả nước cũng như kiều bào họ Đặng ở nước ngoài đồng thuận một lòng, hướng về tiên tổ, ủng hộ việc hợp nhất hai tổ chức họ Đặng để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, cùng nhau đoàn kết xây dựng dòng họ Đặng Việt Nam trường tồn, phát triển cùng đất nước.

6. Ngày 15/4/2017, tại Măng Đen, Kon Tum; Thường trực Hội đồng ĐTVN đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập và ra mắt HĐĐT tỉnh Kon Tum và Hội nghị báo cáo công tác hiệp thương nhân sự lần thứ 1 và thông báo ban hành Quy chế hoạt động của HĐ ĐTVN, Tộc ước họ Đặng Việt Nam.

+ Theo Quyết định số 04/QĐ-ĐTVN có hiệu lực từ 17/4/2017 của HĐ ĐTVN, HĐ ĐT tỉnh Kon Tum ra đời trên cơ sở bộ máy tổ chức nhân sự của Ban Liên lạc họ Đặng tỉnh Kon Tum trước đây.

+ Hội nghị đã nghe Thường trực Hội đồng ĐTVN báo cáo kết quả hiệp thương bước 1 nhân sự HĐ ĐTVN khóa IV, nhiệm kỳ 2017 – 2022. Sau hơn 1 tháng tổ chức hiệp thương chọn cử, giới thiệu nhân sự từ các tỉnh, thành phố và cơ sở, Bước 1 của quy trình hiệp thương đã được hoàn tất theo đúng Đề án nhân sự.

+ Hội nghị đã nghe báo cáo về quá trình sửa đổi và nội dung sửa đổi, các cơ sở pháp lý và nguyên tắc ban hành Quy chế hoạt động của HĐ ĐTVN khóa III. Hội đồng ĐTVN sau khi dự thảo và lấy ý kiến của các Ủy viên HĐ ĐTVN và HĐĐT các tỉnh, thành phố đã tổng hợp, hoàn thiện và ra Quyết định số 04/QĐ-ĐTVN về việc ban hành Quy chế hoạt động của HĐ ĐTVN khóa III. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 17/4/2017 và thay thế tất cả các bản quy chế làm việc của HĐ ĐTVN trước đây.

+ Hội nghị đã nghe báo cáo về quá trình sửa đổi và nội dung sửa đổi Tộc ước họ Đặng Việt Nam. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi của bà con họ Đặng cả nước, Thường trực HĐ ĐTVN đã tổng hợp ý kiến đóng góp để hoàn thiện và ra Quyết định số 03/QĐ-ĐTVN của Hội đồng ĐTVN về việc ban hành bản Tộc ước họ Đặng Việt Nam. Bản Tộc ước này được thực hiện từ ngày 17/4/2017 và thay thế tất cả các bản Tộc ước trước đây.

+ Hội nghị cũng đã nghe báo cáo về nội dung bản Thông báo chung của Hội đồng ĐTVN và Hội đồng Gia tộc họ Đặng Việt Nam. Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu lâu dài và bền bỉ vì sự thống nhất hai tổ chức của họ Đặng Việt Nam, được đánh dấu bằng sự kiện gặp gỡ hai bên tại Phủ thờ họ Đặng Lương Xá, Chúc Sơn, Hà Nội ngày 24/3/2017.

7. Ngày 02/5/2017, tại Thành phố Pleiku Thường trực HĐ ĐTVN đã tiến hành Hội nghị mở rộng, sau đó là cuộc gặp với Chủ tịch Danh dự HHĐ ĐTVN Đặng Phước Thành để thảo luận các nội dung sau:

+ Rà soát công tác chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ IV, bổ sung nhân sự hiệp thương vào Hội đồng ĐTVN nhiệm kỳ 2017 – 2022. Tiếp tục phân công, giao nhiệm vụ cho các ủy viên Thường trực và thành viên BTC Đại hội chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ IV thành công tốt đẹp. Thống nhất việc lập tổng dự toán và kế hoạch vận động các nguồn tài chính hỗ trợ Đại hội.

+ Tập trung phân tích tình hình thực trạng hết sức nghiêm trọng hiện nay của HĐ ĐTVN, phân tích trách nhiệm và đánh giá khách quan công lao, sai lầm, khuyết điểm của ông Đặng Văn Thảo. Phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, các bài học kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho việc tổ chức lại HĐ ĐTVN và chấn hung dòng họ. 

+ Thống nhất không thừa nhận cái gọi là “Hội nghị họ Đặng Việt Nam lần thứ 8” do ông Đặng Văn Thảo tổ chức tại Huế ngày 07/5/2017. Bởi việc tổ chức sự kiện này là không chính danh, mặt khác lộ rõ ý đồ khỏa lấp những bức xúc của bà con cả nước về những sai lầm, khuyết điểm của người đứng đầu HĐ ĐTVN khóa III, với dụng ý kéo dài tình trạng bất ổn này của dòng họ để toan tính các công việc khác.

+ Thống nhât nhận định ông Đặng Văn Thảo chưa có bất kỳ chuyển biến nào về nhận thức, chưa thực sự cầu thị, không dám nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay của HĐ ĐTVN, không nghiêm túc nhận lãnh trách nhiệm của người đứng đầu, trốn tránh các đề xuất của bà con cả nước, không có các giải pháp khắc phục hậu quả hết sức nặng nề do chính mình gây ra. Có biểu hiện lừa dối trong việc mời ông Đặng Trọng Hải nhận lãnh chức danh Chủ tịch HĐ ĐTVN.

+ Thống nhất nhận định về những hậu quả hết sức nặng nề do cá nhân ông Đặng Văn Thảo và một số người bị kích động, lôi kéo theo ông Thảo (đặc biệt là một số thành viên CLB thanh niên Đặng tộc hà Nội) đã gây ra tổn thương cực kỳ sâu sắc đến các bậc cha chú của dòng họ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh họ Đặng, đến uy tín của Hội đồng ĐTVN. Giải quyết những hậu quả đó đòi hỏi tập thể HĐ ĐTVN dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và đề ra các giải pháp khả thi, quyết liệt cùng bà con cả nước chung sức, chung lòng trong một thời gian dài may ra mới khắc phục được.

8. Những hoạt động khác:

+ Thường trực HĐ ĐTVN và một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua đã đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ đồng tộc gặp hoàn cảnh khó khăn, tiêu biểu là chuyến cứu trợ bà con họ Đặng bị ảnh hưởng bão lụt tại Miền Trung do Thường trực HĐ ĐTVN tổ chức cuối năm 2016.

+ Các hoạt động từ thiện của HĐ ĐTVN Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Phú Yên, Cần Thơ, Hưng Yên, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, CLB Thanh niên Đặng tộc Thành Phố HCM v…v được tiến hành có kết quả.

+ Về công tác phát triển tổ chức tại các tỉnh, thành phố, nhà thờ và kết nối họ tộc trong cả nước, việc tiến hành đại hội, hội nghị hiệp thương nhân sự ở cơ sở, công tác kết nối dòng tộc, công tác sưu tầm lịch sử, gìn giữ gia phả, tư liệu, hiện vật của dòng họ cũng đã được Thường trực HĐ ĐTVN quan tâm, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện.

9. Công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (NK 2017 – 2022):

+ Thường trực HĐ ĐTVN đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc họ Đặng Việt Nam lần thứ IV; Đề án Nhân sự HĐ ĐTVN khóa IV; thành lập Ban Tổ chức Đại hội và các Tiểu ban chức năng; dự thảo các văn kiện Đại hội và phân công chuẩn bị các điều kiện hậu cần, vật chất, thông tin, tuyên truyền, an ninh, y tế v…v để tiến hành Đại hội.

+ Đại hội lần này là giải pháp trọng tâm nhất, cơ bản nhất nhằm ổn định tình hình họ tộc, đánh giá toàn diện công tác tổ chức và các mặt hoạt động của Hội đồng Đặng tộc Việt Nam từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ III (2014) đến nay. Kiểm điểm những việc làm được, chưa làm được và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III. Đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ IV (2017 – 2022); sớm ổn định tổ chức, khắc phục từng bước những hậu quả do giai đoạn trước đây để lại, tập trung củng cố đoàn kết nội bộ và đẩy mạnh các hoạt động lấy lại uy tín, niềm tin và danh dự dòng họ. Thực hiện thắng lợi các mục tiêu đoàn kết, xây dựng và phát triển họ Đặng Việt Nam trong thời kỳ mới.

+ Nhân sự HĐ ĐTVN khóa IV được hiệp thương, chọn cử công khai, dân chủ, để hình thành một tập thể đoàn kết thống nhất, có tâm huyết với dòng họ, có đủ uy tín và năng lực thực tiễn, có bản lĩnh vững vàng, toàn tâm toàn ý cho công tác dòng họ; có khả năng và tinh thần trách nhiệm để đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bà con; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, không cơ hội và vụ lợi, được bà con tín nhiệm cao.

 

PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

TRONG NHIỆM KỲ IV (2017 – 2022).

 

1. Công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống dòng họ và các hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, quảng bá và vinh danh họ tộc:

+ Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống dòng tộc, truyền thống gia đình; làm cho con cháu ngày nay kế thừa và phát huy cho được phẩm chất “Đức – Trí – Dũng – Hiếu – Trung” mà tổ tiên đã hằng dày công trau dồi, tu tập. Phấn đấu hằng năm tổ chức ít nhất 01 hoạt động giáo dục truyền thống tập trung cấp toàn quốc. Các tỉnh, thành phố, nhà thờ trong cả nước thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống của cấp mình.

+ Hội đồng Đặng tộc các cấp và người đứng đầu nhà thờ họ Đặng trong cả nước có kế hoạch cụ thể để kêu gọi bà con họ Đặng tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương nơi sinh sống. Phấn đấu có từ 90% trở lên số gia đình họ Đặng trong cả nước đạt tiêu chuẩn “Gia đình Văn hóa”.

+ Chú trọng tiến hành các hoạt động quảng bá, vinh danh họ tộc, xây dựng các điển hình tiên tiến người họ Đặng trên các lĩnh vực kinh doanh, quản lý, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tài năng trẻ v…v. Phấn đấu biên tập và xuất bản được 01 tập san của Họ Đặng Việt Nam (mỗi năm ít nhất 1 kỳ), tiến đến xây dựng được 01 trang tin điện tử (Website họ Đặng Việt Nam) để giới thiệu và quảng bá  hoạt động của dòng họ.

2. Công tác tổ chức nhân sự, xây dựng và phát triển các cơ sở họ tộc, nhà thờ và Hội đồng Đặng tộc các cấp:

+ Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Đặng tộc Việt Nam khóa IV trên cơ sở bản Quy chế đã được thảo luận và sửa đổi, ban hành tháng 4/2017.

+ Hướng dẫn và tuyên truyền để bà con họ Đặng cả nước thực hành các nội dung của bản Tộc ước họ Đặng Việt Nam đảm bảo phù hợp với điều kiện và tập quán của từng vùng miền, chi họ và gia tộc.

+ Về cơ cấu, Hội đồng Đặng tộc Việt Nam khóa IV sẽ thực hiện quá trình tối ưu hóa bộ máy tổ chức, hướng đến một cơ cấu gọn nhẹ nhưng mở và năng động; phát huy được khả năng và lòng nhiệt tình của tất cả các thành viên, đảm bảo hiệu quả.

+ Có kế hoạch và đường lối cụ thể để từng bước vận động, đề xuất đưa Hội đồng Đặng tộc làm thành viên tập thể của Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

+ Tập trung thành lập và soạn thảo quy định về chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ công tác để sớm đưa vào hoạt động một số Ban tham mưu giúp việc cho Hội đồng Đặng tộc khóa IV như sau:

- Ban Tổ chức - Kiểm tra

- Ban Gia phả - Nghi lễ

- Ban Kinh tế - Đối ngoại

- Ban Thông tin - Văn hóa

- Văn phòng Hội đồng.

+ Ngoài cơ cấu cứng, Hội đồng Đặng tộc Việt Nam sẽ xem xét để thành lập Ban Quản lý Quỹ An Sinh họ Đặng Việt Nam; Hội đồng Tư vấn họ Đặng Việt Nam; Ban Biên tập tạp chí họ Đặng Việt Nam; Ban Quản trị Website họ Đặng Việt Nam v…v theo yêu cầu đòi hỏi của thực tế công việc.

+ Về công tác xây dựng và phát triển các cơ sở họ tộc, nhà thờ và HĐ Đặng tộc cấp tỉnh, thành phố, phấn đấu trong nhiệm kỳ phải thực hiện cho được việc củng cố, kiện toàn các tổ chức dòng họ tại các tỉnh, thành phố đã có hoạt động họ tộc hoặc có Ban liên lạc họ Đặng.

+ Những nơi có bà con họ Đặng sinh sống mà chưa đủ điều kiện thành lập Hội đồng Đặng tộc thì thành lập Ban liên lạc hoặc chọn cử người đại diện họ tộc nơi đó làm đầu mối để kết nối hoạt động với Hội đồng Đặng tộc Việt Nam.

+ Xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát, thống kê trên quy mô toàn quốc về số lượng nhà thờ họ Đặng, lập danh sách người đứng đầu các nhà thờ và tiến đến tổ chức các hoạt động gặp mặt, giao lưu, trao đổi tư liệu, tài liệu và kinh nghiệm hoạt động dòng họ.

+ Lập hệ thống sổ sách, biểu bảng phục vụ công tác tổ chức nhân sự. Lên danh sách, địa chỉ cư trú, nơi công tác, số điện thoại liên lạc v…v của tất cả các đầu mối trong cả nước, các đầu mối liên hệ ở nước ngoài để phục vụ công tác quản lý, điều hành công việc.

+ Phối hợp với Hội đồng Gia tộc họ Đặng Việt Nam xây dựng Đề án để thực hiện việc thống nhất hai tổ chức theo đúng tinh thần Thông báo chúng của hai phía ngày 24/3/2017 tại Lương Xá, Chương Mỹ, Hà Nội.

3. Công tác nghiên cứu gia phả, sưu tầm tư liệu, tài liệu và hiện vật lịch sử của dòng họ:

Chúng ta chưa có điều kiện sưu tầm hết những tư liệu, tài liệu và hiện vật của dòng họ Đặng trên khắp mọi miền đất nước, nhưng cần khẳng định rằng họ Đặng ta là dòng họ thuần nhất, lâu đời của Việt Nam. Những nhà thờ, bia đá, câu đối, sắc phong, lăng mộ ở các địa phương trong cả nước là những chứng tích lịch sử minh chứng điều đó.

Hội đồng Đặng tộc Việt Nam khóa IV sẽ tập trung chỉ đạo chuyên sâu đối với công tác nghiên cứu gia phả, sưu tầm tư liệu, tài liệu và hiện vật của dòng họ thông qua hoạt động của Ban Gia phả và nghi lễ. Trong nhiệm kỳ, phấn đấu thành lập được hệ thống sưu tầm và lưu trữ các bản sao của các bộ phả cũng như các loại hình tư liệu, tài liệu, hiện vật, tranh ảnh v…v.

Ngoài những hoạt động chuyên sâu của Ban Gia phả và nghi lễ, công tác nghiên cứu gia phả, sưu tầm tư liệu, tài liệu và hiện vật của dòng họ phải được những vị đứng đầu các nhà thờ, chi họ hết sức quan tâm bởi đó là nguồn tài sản quý báu, có giá trị lịch sử quan trọng của tổ tiên, ông bà ta để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.

4. Hoạt động an sinh xã hội, cứu trợ thiên tai, thiện nguyện, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, khuyến học khuyến tài, giới thiệu việc làm, giúp nhau vượt khó và hiếu hỷ dòng họ:

+ Tiếp tục kiện toàn nhân sự và hoàn thiện quy chế làm việc của Ban Điều hành quỹ Quỹ khuyến học và hỗ trợ phát triển kinh tế, khắc phục thiên tai của họ Đặng Việt Nam (gọi tắt là Quỹ An Sinh Họ Đặng Việt Nam). Trước mắt tập trung vào công tác vận động tài chính để phát triển quỹ. Phấn đấu mỗi năm nguồn quỹ được bổ sung thường xuyên từ 100 đến 200 triệu đồng.

+ Tăng cường các hoạt động an sinh dòng họ theo phương châm “phát huy nội lực trong dòng tộc, cùng đồng lòng gắng sức, người giàu giúp đỡ người nghèo, người mạnh giúp đỡ người yếu, tất cả vì sự phát triển của dòng họ”. Trước mắt, tập trung vận động toàn thể bà con tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai, khuyến học khuyến tài, giới thiệu việc làm, giúp nhau vượt khó.

+ Phấn đấu hằng năm, mỗi gia đình trong dòng họ chúng ta đều làm được ít nhất 01 việc thiện, giúp đỡ được ít nhất 01 gia đình hoặc 01 cá nhân có hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong công việc và cuộc sống; tham gia đóng góp ít nhất 01 lần vào Quỹ An Sinh Họ Đặng Việt Nam v…v. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ góp gió thành bão, huy động được sức mạnh của đông đảo bà con họ tộc tham gia các hoạt động ích nước lợi nhà, an sinh xã hội.

+ Từng bước xây dựng quy định về lễ nghi hiếu hỷ, đảm bảo được truyền thống gia phong dòng họ, đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh và phù hợp với các hướng dẫn về việc cưới, việc tang, ma, lễ, hội v…v do các cơ quan quản lý nhà nước và các hội, đoàn thể định hướng.

5. Công tác xây dựng và phát triển quỹ dòng họ các cấp, xây dựng nhà thờ và hoạt động kinh tế, tài chính khác:

+ Việc xây dựng quỹ hoạt động của dòng họ các cấp trong cả nước mà đặc biệt là cấp tỉnh, thành phố là việc làm rất cần thiết, bởi không có kinh phí sẽ khó có thể tổ chức được các hoạt động dù là nhỏ hay lớn. Quỹ hoạt động của Hội đồng Đặng tộc các cấp phải tách biệt với Quỹ An sinh dòng họ, đảm bảo minh bạch và đúng với các quy định quản lý tài chính hiện hành.

+ Phấn đấu mỗi năm số tiền trong Quỹ hoạt động của HĐ Đặng tộc cấp tỉnh, thành phố và nhà thờ lớn phải đạt chỉ số gia tăng từ 30 đến 50 triệu đồng; cấp huyện đạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Các thành phố lớn phấn đấu đạt mức quỹ từ 100 đến 200 triệu đồng.

+ Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, tùy thời gian thích hợp Đại hội giao Hội đồng Đặng tộc Việt Nam phải tính toán phương thức phù hợp để tạo nguồn tài chính cho Quỹ hoạt động và Quỹ An sinh; chủ động tham gia, hỗ trợ vào các công trình cũng như hoạt động của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

+ Việc xây dựng và trùng tu đền thờ, nhà thờ ở các tỉnh, thành phố là một việc lớn của dòng tộc, là trọng trách mà bà con giao cho Hội đồng Đặng tộc các cấp. Rút kinh nghiệm thời gian qua, việc quyên góp và tổ chức xây dựng, trùng tu nhà thờ, đền thờ phải có kế hoạch cụ thể, kiểm tra giám sát thường xuyên, sổ sách ghi chép đầy đủ, chứng từ thu chi minh bạch, rõ ràng, đúng nguyên tắc, tránh những hệ lụy về sau.

+ Việc xây dựng mới và trùng tu các công trình nhà thờ, đền thờ họ Đặng trong cả nước là một việc làm lâu dài, có thể phải thực hiện trong rất nhiều năm và chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thử thách; nhưng khi ý đã quyết, lòng đã đồng, lại có sự đóng góp của bà con họ tộc cả nước thì nhất định chúng ta sẽ thành công.

6. Công tác đối ngoại:

+ Nhiệm kỳ 2017 – 2022 là nhiệm kỳ có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Hội đồng Đặng tộc Việt Nam. Vì vậy, trong nhiệm kỳ này công tác đối ngoại phải được quan tâm đúng mức và đặt đúng vị trí để có thể lấy lại uy danh của dòng họ.  

+ Công tác đối ngoại phải đi trước một bước, làm tiền đề cho các hoạt động kết nối dòng họ, giao lưu phối hợp, kêu gọi tài trợ và giải quyết các vấn đề khác liên quan hoạt động của Hội đồng Đặng tộc các cấp.

+ Trước mắt, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong năm 2017, 2018 phải tập trung cho việc củng cố các mối quan hệ truyền thống trước đây của Hội đồng Đặng tộc Việt Nam, đồng thời mở ra các mối quan hệ mới, trên một tầm mới đối với các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến cấp ủy, chính quyền, mặt trận và hội đoàn thể địa phương.

+ Tiếp tục xác lập các mối quan hệ phối hợp mật thiết với Hội đồng dòng tộc các tỉnh, thành phố trong cả nước, các cá nhân người họ Đặng ở nước ngoài; liên hệ để có được sự hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đội ngũ phóng viên báo chí, các nhà hoạt động chính trị, các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội v…v.

+ Mối quan hệ giữa Hội đồng Đặng tộc Việt Nam với tổ chức UNESCO Văn hóa các dòng họ là mối quan hệ đối ngoại, mang tính chất trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn, lịch sử, văn hóa và phương pháp, kinh nghiệm hoạt động. Họ Đặng Việt Nam không trực thuộc về mặt quản lý đối với các tổ chức do UNESCO thành lập.

7. Công tác kiểm tra, khen thưởng và hòa giải dòng họ:

+ Trong những năm đầu của nhiệm kỳ, công tác kiểm tra, khen thưởng và hòa giải dòng họ phải được đặt vào trung tâm của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội IV. Bài học vừa qua cho chúng ta thấy các sai phạm đều có nguyên nhân từ công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, chưa đến nơi, đến chốn.

+ Những việc làm sai trái, vô nguyên tắc, độc đoán và lộng quyền của người đứng đầu tập thể Hội đồng Đặng tộc Việt Nam thời gian qua không những làm ảnh hưởng đến thanh danh của dòng họ, mà còn gây chia rẽ nghiêm trọng trong dòng tộc. Vì vậy nhiệm vụ công tác hòa giải trong thời gian tới là hết sức quan trọng, hết sức cần thiết, cần có sự tham gia góp sức của bà con cả nước.

+ Xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra với các nhiệm vụ chính là kiểm tra việc thực hiện các quy định về pháp luật của nhà nước, các thỏa ước, hương ước địa phương và Quy chế hoạt động của Hội đồng Đặng tộc khóa IV. Gắn liền với kiểm tra là việc áp dụng các hình thức, biện pháp kỷ luật nhằm giữ gìn kỷ cương và truyền thống dòng họ.

+ Chú trọng công tác biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể gia đình, nhà thờ, chi họ và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực làm ăn kinh tế, khuyến học khuyến tài, cứu trợ thiên tai, có việc làm tốt, nghĩa cử đẹp và hành động dũng cảm, thực hiện tốt các chủ trương của cấp trên, tham gia tốt các hoạt động xây dựng và phát triển dòng họ.

+ Chỉ đạo thành lập và đưa vào hoạt động các tổ hòa giải dòng họ thuộc cấp tỉnh, thành phố, các chi họ, các nhà thờ v..v để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn nội bộ trong gia đình và dòng tộc. Hoạt động của các tổ hòa giải dòng họ phải phối hợp chặt chẽ với các tổ hòa giải của MTTQVN và các hội, đoàn thể ở cơ sở.

+ Hội đồng Đặng tộc Việt Nam sẽ xem xét để xúc tiến việc thành lập Hội đồng Tư vấn cấp toàn quốc, một trong những chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn là tư vấn công tác hòa giải và đoàn kết họ tộc.

 

 

Đại hội đại biểu toàn quốc họ Đặng Việt Nam lần thứ IV diễn ra trong lúc cả nước đang nỗ lực thi đua, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm 2017. Hơn 2,3 triệu bà con họ Đặng Việt Nam là một lực lượng to lớn, đã và đang góp phần cùng đồng bào cả nước vượt qua khó khăn thách thức, tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào ý nghĩa cao cả của các mục tiêu, nhiệm vụ mà Hội đồng Đặng tộc Việt Nam đang hướng tới trong giai đoạn 2017 – 2022 và những năm tiếp theo.

Trên quan điểm chung là: “Lấy truyền thống tốt đẹp của họ Đặng Việt Nam làm điểm tương đồng, thấm thía bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức trong thời gian qua; chấp nhận những đa dạng trong sinh hoạt dòng họ mà không trái với tôn chỉ, mục đích chung; chúng ta nguyện đồng lòng, đồng sức xây dựng họ tộc phát triển trường tồn, bền vững”. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết của chúng ta, là sự tiếp nối không ngừng nghỉ truyền thống tốt đẹp của họ Đặng.

Tại Đại hội này, chúng tôi kêu gọi bà con họ Đặng cả nước tiếp tục phát huy truyền thống của tổ tiên, đoàn kết một lòng, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp phát triển dòng họ, cho sự nghiệp hưng thịnh nước nhà. Quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách bằng trí tuệ và khí tiết mà cha ông để lại; không ngừng trau dồi đạo đức, rèn luyện khí chất, phát triển tài năng, làm giàu chính đáng, chăm lo đến sự phát triển của giống nòi, chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

 

ĐẠI HỘI HỌ ĐẶNG VIỆT NAM

Danh sách mới hơn
Danh sách cũ hơn