Trang chủNgười đương thờiHai chú cháu cùng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

Hai chú cháu cùng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 14/08/2013

Thành công xuất sắc và vững chắc của hai chú cháu nhà họ Đặng khiến tôi nghĩ nhiều về câu thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Trãi: "Họa phúc hữu môi, phi nhất nhật!" Đúng vậy, nỗi tai họa hay niềm hạnh phúc đều có cội rễ sâu xa, chứ đâu phải chuyện một sớm một chiều! Thuộc dòng dõi nho gia, ngay từ thuở bé, con cháu đã được nghe kể về những tấm gương hiếu học huyền thoại của phương Đông văn hiến, như câu chuyện "tuyết án, huỳnh song"

Đó là hai nhà trí thức quen làm việc với máy tính, sử dụng thạo tiếng Anh, nghiên cứu khoa học... Người chú là GS.TSKH. Đặng Vũ Khúc, nhà địa chất cổ sinh nổi tiếng đã công bố 12 cuốn sách chuyên khảo và 113 bài báo khoa học, trong đó có 22 bài in ở nước ngoài, khám phá 77 loài cổ sinh mới cho khoa học. Ông là một thành viên quan trọng trong tập thể những người xây dựng “Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000”, công trình được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Người cháu là GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhà địa chất trắc địa nổi tiếng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường. Ông là người chủ trì cụm công trình khoa học - công nghệ tiên tiến Xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 và Ứng dụng hệ định vị toàn cầu vào ngành đo đạc - bản đồ Việt Nam, được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong cùng năm 2005 với người chú.

Từ một dòng họ khoa bảng

Lê Xá là tên Hán Việt chính thức của một làng nghèo nằm bên con sông nhỏ Nghĩa Trụ - một chi lưu của sông Hồng - thường được gọi nôm na là làng Cầu Sổ, thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Tuy mang tên Lê Xá (nơi cư ngụ của dòng họ Lê) nhưng phần lớn dân làng lại mang họ Đặng. Thời trước, quanh năm lam lũ cấy cày vẫn không sao đủ sống, người dân phải kiếm thêm bằng "nghề phụ" bắt ếch, lươn, chuột đồng... Ở cái chợ Bún gần làng, người ta thường thấy dân Cầu Sổ mang chuột đồng đến bán; có loại sống, có loại luộc sẵn, rắc ít lá chanh thái chỉ, thơm phức. Bữa cơm ngày ấy có chén rượu nhạt với đĩa thịt chuột đồng luộc đã là... sang!

Trong làng có một gia đình họ Đặng không theo nghề cuốc bẫm cày sâu, mà quyết chí lập thân bằng cách "dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa"!  Chàng nho sinh Đặng Tích Trù năm 31 tuổi đi thi hương, đỗ cử nhân (1884), rồi 5 năm sau, vác lều chõng lặn lội vào tận kinh thành Huế dự thi hội, đỗ phó bảng (1889), dưới triều nhà vua yêu nước Thành Thái. Tên tuổi cụ "bảng Đặng" được chép trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam (Nhà xuất bản Văn học in năm 1993). Triều đình Huế bổ nhiệm cụ làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), rồi đốc học Bắc Giang. Dân làng kính cẩn gọi cụ là "cụ Đốc". 

"Cụ Đốc" có người cháu nội là Đặng Đồng Khuê theo học khóa 1 Trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Cuối năm 1946, quân Pháp gây hấn khắp nơi. Đồng Khuê phải ra trường sớm, làm đại đội phó. Trước khi đi chiến đấu, anh được phép tạt về thăm nhà. Vợ anh vừa sinh một bé trai kháu khỉnh. Bé được đặt tên là Đặng Hùng Võ - cái tên mang màu sắc lãng mạn "võ bị oai hùng" ngày đầu kháng chiến. Trở lại đơn vị, anh dự trận bao vây "nhà Xéc" (Câu lạc bộ sĩ quan Pháp) tại thị xã Bắc Giang. Người sĩ quan vệ quốc quân trẻ tuổi tử trận ngay hôm ấy! Bé Đặng Hùng Võ chưa kịp nhớ mặt cha!

Khi Đặng Đồng Khuê hy sinh thì người em trai là Đặng Vũ Khúc mới 15 tuổi.

Trên những nẻo đường kháng chiến

Đầu năm 1947, sau hơn hai tháng chiến đấu kìm chân địch, trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội.  Huyện Gia Lâm trở thành vùng tề. Tuy làng có lý trưởng tề đấy, nhưng tinh thần cách mạng trong dân chúng vẫn cao. Đêm đêm đám thiếu nhi - do Khúc đầu trò - vẫn hát ca, sinh hoạt Đội. Khu đoàn Việt Bắc mở lớp đào tạo cán bộ phụ trách thiếu nhi. Huyện đoàn Gia Lâm liền cử Khúc ra vùng tự do theo học. Cha mẹ Khúc chẳng ngăn cản gì bởi vì "chỉ đi một tháng rồi trở về thôi mà"!

Đợi đến đêm tối mịt mùng, Khúc mới vượt đường 5, rảo bước qua làng Cổ Bi, lần mò ra bến đò, sang làng Phù Đổng. Bên kia sông Đuống đã là vùng tự do! Thoải mái chọn một vạt ruộng ngô, đánh một giấc đến sáng, hôm sau mới đi tiếp. Mặt đường nhựa bị dân quân đào hào chữ chi cản xe cơ giới địch, nhưng người đi bộ thì vẫn qua lại dễ dàng. Không khí vùng tự do sao mà dễ thở! Đi một mạch lên Phú Bình, Khúc tìm đến đúng nơi mở lớp học ở phía nam Thái Nguyên.

Sau một tháng huấn luyện, Khúc được chọn ở lại làm cán bộ khu đoàn. Anh viết mấy dòng thư về nhà, báo cho cha mẹ biết.

Từ đấy Khúc bắt đầu sống cuộc sống nay đây mai đó của người cán bộ kháng chiến "qua nhiều nơi không nhớ rõ tên làng/ đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng...".

Tròn 18 tuổi, anh đứng vào đội ngũ của Đảng.

Rồi được khu đoàn cho phép, anh cuốc bộ 12 ngày liền từ Thái Nguyên vào tận Nghệ An, theo học Trường Kỹ nghệ Liên khu IV. Mấy năm sau, lại cuốc bộ một mạch từ Nghệ An ra Tuyên Quang, học Trường trung cấp Giao thông. "Từ buổi rời nhà đi kháng chiến/ Nhà nào nhà lại ngủ không quen?" Ăn, ngủ trong nhà dân giữa rừng xanh Việt Bắc, Tây Bắc, anh cùng đồng đội mở đường Gia Phù - Xồm Lồm cho đại quân ta tiến đánh Điện Biên Phủ...

Tháng 10/1954, Hà Nội giải phóng. Anh trở về Gia Lâm, vui mừng gặp lại cha mẹ, họ hàng sau bao năm "biệt vô âm tín". Người anh cả Đặng Đồng Khuê đã mất, chỉ còn để lại cậu con trai lên tám là Đặng Hùng Võ "nối dõi tông đường"...

Đĩnh đạc bước vào lâu đài khoa học

Tháng 10/1961, tốt nghiệp kỹ sư địa chất, Đặng Vũ Khúc tham gia  lập tờ Bản đồ địa chất miền bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, do nhà địa chất Liên Xô Dovzhikov chủ biên.

Rồi anh được cử sang Leningrad, tham gia tổng kết việc lập bản đồ, chuyên lo phần hóa thạch thân mềm và địa tầng Trias. Tổng hợp tài liệu, anh cùng 5 tác giả khác (3 Liên Xô, 2 Việt Nam) biên soạn cuốn Hóa thạch chỉ đạo địa tầng Trias miền bắc Việt Nam. Ngoài việc biên soạn phần địa tầng chung, anh chịu trách nhiệm nhóm hóa thạch chân rìu (một loại cổ sinh vật thân mềm) với 61 loài, trong đó có 25 loài và phụ loài mới được mô tả lần đầu trong khoa học.

Đó là một trong hai cuốn sách chuyên khảo đầu tiên của ngành địa chất nước ta. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư khích lệ anh:

"Mong đồng chí cùng các đồng chí khác trong nghề cố gắng, từng bước góp phần cống hiến của mình vào sự nghiệp rất phức tạp đồng thời rất quan trọng của việc hiểu biết đất nước giàu đẹp của chúng ta".

Năm ấy anh Khúc 34 tuổi. Hai năm sau, 36 tuổi, anh trở thành Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Sau đó, anh sang Liên Xô, lần lượt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (1978), tiến sĩ khoa học (1990), được Nhà nước ta công nhận phó giáo sư (1984), giáo sư (1991).

Một số công trình của Đặng Vũ Khúc viết bằng tiếng Anh được Liên hợp quốc in tại New York như: Stratigraphy and Sedimentary basins of Vietnam (Địa tầng và các bể trầm tích ở Việt Nam), The Triassic in Vietnam  and Adjacent Areas (Hệ Trias ở Việt Nam và các vùng lân cận), Paleogeography of Vietnam during the Triassic (Cổ địa lý Việt Nam trong kỷ Trias).

Nhiều công trình khác của ông được viết bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp và được in ở Nga, Anh, Thụy Sĩ, Hà Lan, Đan Mạch,...

Nhiều lần ông được mời làm giáo sư thỉnh giảng hay mời dự hội nghị địa chất ở nước ngoài.

Tháng 11/1995, tại Hà Nội, cùng với nhà địa chất Pháp Henri Fontaine, ông chủ trì Hội thảo quốc tế về Địa chất Đông - Nam Á và các vùng phụ cận, thu hút 106 nhà địa chất 17 nước và 150 nhà địa chất Việt Nam đến dự.

Năm 2005, tuy đã ở tuổi 74, ông vẫn có 3 đầu sách mới in: Từ điển địa chất Anh - Việt (585 trang), Các phân vị địa tầng Việt Nam (đồng chủ biên với Tống Duy Thanh, 504 trang), và Chủng tộc khác (truyện dài, dịch từ tiếng Pháp, 255 trang).

Nếu tờ Bản đồ địa chất miền bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 được biên soạn vào những năm 1990 là do giáo sư Dovzhikov chủ biên, cùng nhiều chuyên gia địa chất Liên Xô khác tham gia thực hiện, thì tờ Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 được công bố vào năm 1988 hoàn toàn là công trình của các nhà địa chất Việt Nam ta, do Trần Đức Lương và Nguyễn Xuân Bao chủ biên. Gọi là "tờ" nhưng thật ra đó là một công trình đồ sộ, khảo sát trên quy mô toàn quốc. Để làm ra nó, bước chân các nhà địa chất đã phủ kín mọi ngóc ngách đất nước từ cao nguyên Đồng Văn ở vùng cực bắc đến mũi Cà Mau ở cực nam. Tờ bản đồ cho biết cấu trúc địa chất nước ta khá phức tạp nhưng lại hứa hẹn nhiều tài nguyên khoáng sản. Nó tạo ra cái nền điạ chất cho tờ Bản đồ khoáng sản kèm theo.

Đặng Vũ Khúc tham gia công trình tập thể rộng lớn đó với tư cách cố vấn về cổ sinh - địa tầng. Cùng với Bùi Phú Mỹ, ông chủ trì việc biên soạn cuốn Địa tầng, một trong 3 cuốn sách thuyết minh cho tờ bản đồ nói trên.

Công trình giúp Nhà nước ta biết chắc các loại tài nguyên khoáng sản để chủ động vạch ra quy hoạch khai thác chúng.

Người Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Bây giờ ta có thể tìm hiểu đôi chút về người cháu.

Khác với ông chú từng trèo đèo lội suối suốt những nẻo đường  "kháng chiến ba nghìn ngày không nghỉ", Đặng Hùng Võ lớn lên giữa Hà Nội giải phóng, trải qua thời học sinh - sinh viên êm đềm, "xuôi chèo mát mái". Học rất giỏi, anh đỗ ngay vào Trường Bách khoa. Có năng khiếu toán, anh được cử đi học sâu hơn về môn này bên Trường Tổng hợp, tốt nghiệp cử nhân toán, để rồi về Trường Mỏ - Địa chất, dạy môn trắc địa. Sinh viên mê thầy Võ! Những bài toán hóc búa, thế mà thầy trình bày thật giản đơn, dễ hiểu. Những công thức dài dằng dặc, thế mà thầy thuộc lòng, viết ngay lên bảng, chẳng cần giở sách! Thầy có bộ râu quai nón rất chi là "tu mi nam tử", lại thường cầm cây đàn ghita xuống các tổ sinh viên, cùng các em ca hát, rồi nhẹ nhàng nhắc các em học bài.

Năm 1979, Đặng Hùng Võ sang Ba Lan viết luận án tiến sĩ. Luận án xuất sắc, anh được mời làm cộng tác viên khoa học Viện Trắc địa và Bản đồ Ba Lan, rồi anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học (Ba Lan gọi là Tiến sĩ Habil). Trở về nước, anh được cử giữ chức phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính. Đúng vào lúc ấy, trên thế giới xuất hiện một công nghệ "mới toanh" của Mỹ gọi là định vị bằng vệ tinh. Anh cùng các bạn ở Viện Nghiên cứu địa chính liền hăm hở lao vào thực hiện đề tài Ứng dụng hệ định vị toàn cầu JPS vào ngành đo đạc và bản đồ  Việt Nam (1990), và tiếp đó là đề tài Xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000. Kết quả là đã tự động hóa được quá trình đo đạc ngoại nghiệp và xử lý tính toán các kết quả đo; xây dựng được hệ quy chiếu quốc gia từ góc nhìn trắc địa hiện đại để thống nhất số liệu gốc cho cả nước; xây dựng được lưới tọa độ phủ trùm cả nước với độ chính xác cao. Áp dụng công nghệ tiên tiến, việc đo đạc không còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết, tiết kiệm nhiều lần thời gian đo so với công nghệ truyền thống, kinh phí tạo lưới giảm 2-3 lần, nhờ đó, có thể cung cấp thông tin nhanh, chính xác, kịp thời đáp ứng các yêu cầu về quản lý chính trị - kinh tế, an ninh - quốc phòng; hơn nữa, còn tạo khả năng thống nhất tọa độ với các nước khác để có thể nghiên cứu trái đất trên phạm vi rộng lớn. Trong khối ASEAN, chỉ mới có 3 nước làm được việc này là: Việt Nam, Singapore và Malaysia.

Khi đảm trách chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đặng Hùng Võ được giao nhiệm vụ soạn Luật đất đai (sửa đổi) nhằm lập lại trật tự trong việc sử dụng đất - một công việc vô cùng khó khăn, bởi vì trước đó quỹ đất đã không được quản lý rõ ràng, lợi ích chủ yếu rơi vào tay những kẻ buôn đất và đám quan tham chuyên xà xẻo đất! Sau khi ban hành luật, ông lại được giao trọng trách "tổng chỉ huy" các đoàn kiểm tra việc thi hành luật trong cả nước. Xả thân vì công việc, ông không sợ va chạm, oán thù...

Ông làm việc rất căng thẳng, có những hôm đến 14-18 tiếng!

Năm 2005, Đặng Hùng Võ và những người cộng tác nghiên cứu cụm công trình nói trên được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Riêng ông, còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là lần đầu tiên một cán bộ quản lý cấp bộ được phong tặng danh hiệu ấy.

“Họa phúc hữu môi, phi nhất nhật”

Thành công xuất sắc và vững chắc của hai chú cháu nhà họ Đặng khiến tôi nghĩ nhiều về câu thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Trãi: "Họa phúc hữu môi, phi nhất nhật!" Đúng vậy, nỗi tai họa hay niềm hạnh phúc đều có cội rễ sâu xa, chứ đâu phải chuyện một sớm một chiều! Thuộc dòng dõi nho gia, ngay từ thuở bé, con cháu đã được nghe kể về những tấm gương hiếu học huyền thoại của phương Đông văn hiến, như câu chuyện "tuyết án, huỳnh song". Chuyện kể rằng, do nghèo túng, Tôn Khang đời nhà Tấn đêm đêm ngồi bên bàn, phải mượn ánh tuyết chiếu vào để đọc sách; còn Trác Dận đời Nam Tống thì ngồi bên cửa sổ, nhờ ánh đom đóm lập lòe để học thi, thư. Cả hai người về sau đều thành tài, nổi tiếng.

Bên cạnh việc hun đúc lòng hiếu học, kẻ sĩ nho gia hết sức coi trọng đức liêm sỉ, tiết tháo. Hiền triết xưa cho tu thân là cái gốc của mọi thành công. "Nhất nhật tam tỉnh ngô thân" - mỗi ngày ba lần soi xét bản thân để tự sửa mình.

Nếp nhà thanh bạch và cần kiệm, đó có lẽ là di sản tinh thần quý báu nhất mà lớp hậu duệ đã được thừa hưởng từ cụ phó bảng Đặng Tích Trù.

Danh sách mới hơn