Đặng Thọ Truật, người anh hùng chưa được tuyên dương
Thứ Ba, 09/09/2014
Đại tá Đặng Thọ Truật quê ở Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An, từng là Thư ký tòa soạn kiêm Trưởng đại diện phía Nam của báo Quân Đội Nhân Dân. Trong cuộc đời làm chiến sĩ, ông đã dự nhiều trận đánh khốc liệt, hào hùng, có trận đã được ghi vào lịch sử, thuộc vào những trận đánh danh tiếng. Điển hình là trận đánh bắn rơi 31 máy bay địch trên đỉnh Cô Pung. Ông từng được đơn vị [Sư đoàn 324] hai lần đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đức Thọ, Tạp chí Văn Hóa Nghệ An
Thế nhưng, đến nay, sau hàng chục năm đề nghị, danh hiệu đó vẫn chưa được trao cho ông, dù chỉ riêng với chiến công bắn rơi 31 máy bay địch ngay tại trận địa của ông đã góp phần đập tan chiến thuật trực thăng vận của Mỹ- Ngụy,cũng quá xứng đáng để phong anh hùng.
Từ trận đấu mở màn
Đến bây giờ đại tá Đặng Thọ Truật vẫn không quên được cái ngày đầu tiên nhập ngũ khi ông còn là một cậu thanh niên vừa qua tuổi học trò. Đó là ngày 28/6/1968, ông nhập ngũ vào đại đội I, tiểu đoàn 70, thuộc sư đoàn 324, đóng quân ở Nghệ An. Sau 5 tháng huấn luyện, tháng 11/1968 đơn vị được lệnh lên đường chiến đấu. Từ Nghệ An, họ được ôtô chở vào làng Ho thuộc huyện Lệ Thủy – Quảng Bình. Rồi từ Quảng Bình đi bộ sang đất bạn Lào. Ròng rã một tháng trời hành quân, cứ hai ngày đi, một ngày nghỉ, họ xuyên đất Lào, xuống Nam Lào, và quật trở lại Thừa Thiên Huế. Tại Nam Lào (ở Cô Ca Va), trận đánh đầu tiên của ông và đồng đội đã diễn ra. Đây là trận đánh khó quên trong đời lính của ông, bởi vì nó là trận đấu “khai mạc đời lính”. Tại đó, những trái tim trẻ được sự tàn khốc của chiến tranh thử thách. Họ được thấy máy bay trực thăng bay thành từng đàn như nhặng xanh.

Chúng bu vào bắn phá trận địa ta rất quyết liệt. Rốc két, phóng lựu, đại liên trên máy bay địch bắn xối xả xuống trận địa ta. Chúng chỉ tháo chạy khi ta bắn hạ được một vài chiếc máy bay vũ trang. Trận mở màn này, đơn vị ông bắn rơi một máy bay địch. Nhưng khẩu đội trưởng khẩu đội 3 Phan Thanh Xông, quê Nghi Thiết- Nghi Lộc- Nghệ An, hi sinh. Sau đó là trận đánh ở Abia mà báo chí Mỹ gọi là “đồi thịt băm lính Mỹ”, rồi đánh điểm cao 935 diệt một trung đoàn thiếu của Mỹ tại Thừa Thiên Huế. Trong trận đánh này, ông là xạ thủ số 1, bắn hạ 3 máy bay, cùng khẩu đội bắn rơi 2 chiếc nữa. Kết thúc chiến dịch, sau 23 ngày đêm chiến đấu, ông được thưởng một Huân chương chiến công (HCCC) giải phóng hạng Ba và được suy tôn là dũng sĩ diệt máy bay.
Trận thắng hào hùng trên dãy Cô Pung
Cô Pung là một dãy núi cao ở A Sầu-A Lưới (Thừa Thiên Huế). Đỉnh cao nhất của nó là Cô Pung cao 1.650 mét. Trước năm 1968, quân Mỹ sau khi đánh nống ra phía Bắc đã từng chiếm đóng ở đây tại điểm cao 1078. Sau tổng tiến công 1968, chúng rút khỏi đây. Lần này, chúng âm mưu đổ bộ lên Cô Pung để làm bàn đạp tiến công ra Tây Bắc, tập kích vào hậu cứ của ta, đánh phá khu hậu cần, hậu phương nhằm chặn đường tiếp tế của ta. Cấp trên nhận định: Địch sẽ đổ quân ở Cô Pung, hoặc điểm cao 1078 và ra lệnh cho sư đoàn 324 đón lõng, đánh chặn địch ở đây, không cho chúng triển khai quân. Tiểu đội của ông do ông Thành làm tiểu đội trưởng, ông làm xạ thủ số 1 trực tiếp cầm súng, được lệnh lên điểm cao đối diện điểm 1078 để mai phục. Nếu địch đổ quân ở điểm 1078 thì đánh, còn nếu địch đổ bộ ở đỉnh Cô Pung thì cơ động tiến lên mà đánh (vì điểm mai phục của khẩu đội của ông nằm lưng chừng, phía dưới đỉnh Cô Pung).
Sau khi đào xong công sự, khẩu đội biên chế 15 người, chỉ để lại 7 người cắm chốt, còn 8 người rút về hậu cứ. Trong bốn ngày liền, ngày 25 – 29/7/1970, địch dùng 27 lượt chiếc B52 rải thảm nhiều đợt theo dọc dãy núi Cô Pung đến điểm cao 1078. Chúng còn ném bom CPU 7 tấn phát quang đỉnh Cô Pung.
Ngày 29/7/1970, địch tiếp tục pháo kích dồn dập. Sau đó, một tốp trực thăng ba chiếc bay lượn trên đỉnh cao 1078. Rồi một chiếc hạ độ cao, đáp xuống. Hai chiếc còn lại bay rất thấp, vòng quanh quan sát. Họ (7 người trong khẩu đội của ông) nhận định: địch “dọn bãi” và kiểm tra, trinh sát để sẵn sàng đổ quân, nên không nổ súng để giữ bí mật và cử người về báo cáo với đại đội chi viện và tiếp tế thêm đạn 12 ly 7 và 7 ly 62.
5 giờ sáng, ngày 30/7 địch đã pháo kích và cho nhiều tốp máy bay phản lực ném bom dữ dội lên dãy Cô Pung và điểm 1078. Họ nhận định, địch sẽ đổ quân ở 1078, cách chỗ mai phục của khẩu đội khoảng 400 mét. Đến 10 giờ sáng máy bay trinh sát OH6 và trực thăng chiến đấu AH 1G của địch quần đảo nhiều lần, bắn xăm tất cả các vị trí mà chúng khả nghi.
Khoảng 11 giờ, từng tốp 10 chiếc trực thăng UH 1 từ sân bay Phú Bài (Huế) bay lên Cô Pung, lần lượt từng chiếc đổ bộ xuống điểm 1078. Ông Truật nhớ lại: “Lúc ấy, chúng tôi quyết định chờ cho địch đổ bộ được bốn chiếc rồi mới bắn. Vì như vậy buộc địch phải đổ quân tiếp theo kế hoạch để cứu ứng lẫn nhau, đồng thời chúng không dám dọn bãi tiếp. Ta giữ được thế bất ngờ và bảo toàn lực lượng.”. Sau khi cân nhắc thời cơ, ông nổ súng. Ngay loạt đầu, 3 viên đạn 12 ly 7 bắn trúng một chiếc UH1 rơi tại chỗ. Liên tiếp mỗi chiếc đổ bộ sau đó, ông lại bắn điểm xạ ba viên. Trong 10 phút đầu, 5 chiếc máy bay rơi tại chỗ. Địch lồng lộn gọi quân tiếp viện. Chúng điều máy bay phản lực, trực thăng vũ trang bắn vung vãi lên dải Cô Pung. Tuy nhiên, do trận địa của ta gần nơi đóng quân của địch và do địa hình rừng núi, sườn dốc hình yên ngựa, nên ta không bị tổn hại. Liên tiếp sau đó, địch tiếp tục đổ quân, nhiều máy bay của địch lại bị bắn hạ. Bắn tới chiếc thứ 31 thì súng 12 ly 7 bị gãy díp tiếp đạn, không chữa được. Địch vẫn tiếp tục đổ quân xuống tổng cộng 50 chiếc UH1, quân số khoảng một tiểu đoàn. Ông và đồng đội cử hai người đi báo cáo với chỉ huy trung đoàn bộ binh 1 và tổ chức mai phục, chờ địch để đánh.
Khoảng 12 giờ, địch chia thành ba hướng tấn công vào trận địa. Khẩu đội ông bình tĩnh, kiên quyết đánh trả, đánh lùi năm đợt tấn công của địch. Địch ngừng tiến công gọi thêm quân yểm trợ… Sau đó vì đạn trung liên, tiểu liên và lựu đạn hết, khẩu đội quyết định rút lui.
Nhiều năm sau, nhớ lại trận đánh đó, ông vẫn bồi hồi xúc động và không nghĩ mình sống sót trong tình thế hiểm nghèo như thế. Ông tâm sự: “Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy, trong những cuộc chạm trán với máy bay địch, anh phải bắn trúng và tiêu diệt máy bay địch ngay từ phát súng đầu tiên, nếu không diệt được địch thì chúng sẽ quay lại diệt anh ngay. Vì thế, tôi tự nhủ là xạ thủ ở vị trí số 1, mình phải bắn trúng, diệt địch ngay, nếu không mình và đồng đội sẽ không còn cơ hội sống sót.”
Mấy ngày sau trận chiến đấu ở Cô Pung, chủ nhiệm pháo binh quân khu là ông Bạch Ngọc Liễn đã đích thân xuống đơn vị ông để khen tặng. Lúc đó ông đang bị phạt đi gùi gạo vì “dám bỏ trận địa”, thì được liên lạc viên gọi về. Ông kể lại: “Khi tôi về, thấy mọi người vui vẻ lắm. Ông Bạch Ngọc Liễn đến bắt tay tôi và tự giới thiệu là chủ nhiệm pháo binh quân khu, rồi nói: “Vừa rồi, nghe đài kỹ thuật của địch báo cáo lên cấp trên là sư đoàn Anh cả Đỏ ( của Mỹ) tổ chức đổ bộ lên Cô Pung, bị quân giải phóng bắn rơi 11 máy bay và bắn bị thương 13 máy bay, và bị quân giải phóng phản kích diệt 25 tên.” Đó là chưa kể số lính bị chết trong máy bay. Sau đó, mọi người bảo tôi kể lại trận đánh.” Chiến thắng trên dãy Cô Pung được báo Quân giải phóng Trị Thiên Huế đánh giá là “một thành tích xuất sắc, một chiến công vô cùng vẻ vang.” Chiến thắng đó đã góp phần vào việc đập tan chiến thuật trực thăng vận của Mỹ- Ngụy, xứng đáng được đưa vào những trận đánh hay, kinh điển. Với thành tích là xạ thủ số 1, trực tiếp bắn rơi máy bay, ông được tặng một Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì. Toàn tiểu đội 1 ai cũng được tặng Dũng sĩ diệt máy bay. Đại đội 3 và tiểu đoàn 54 của ông được tặng Huân chương Quân công giải phóng.
Xông vào biển lửa
Đến tháng 2/1971, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào. Trong chiến dịch này, chúng dùng 4-5 sư đoàn “đánh đảo quân” với 4-5 sư đoàn của ta. Thế trận diễn ra giằng co, khốc liệt, kéo dài một tháng trời. Trận đó, ông cùng đồng đội bắn rơi 6 máy bay. Ông được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba. Sau trận thắng này, cuối năm 1971 ông được về báo cáo thành tích tại quê hương Nghệ An về “Những trận đánh hay, những người đánh giỏi”. Được báo cáo thành tích tại Đại hội Quyết Thắng của sư đoàn 324 và được đề nghị Nhà nước tuyên dương anh hùng cùng với đồng chí Dương Quang Bổ, thuộc trung đoàn 3 và đồng chí Biện Văn Thanh, trung đoàn 2. (Đồng chí Bổ và đồng chí Thanh sau đó đã hi sinh năm 1972 tại Quảng Trị và Tây Nam Huế)
Sau đó, ông cùng đơn vị tiến quân giải phóng và bảo vệ Quảng Trị. Rút khỏi Quảng Trị, đơn vị ông hành quân vào chiến đấu ở mặt trận Tây Nam Huế, điểm cao 551, Động Tranh, Hòn Lạc, cực kỳ gian khổ, ác liệt. Trong những trận đánh đó, quân địch chủ yếu dùng pháo đánh cấp tập từ xa. Cây cối, núi non hóa thành bình địa, hoang tàn. Năm 1972 cho đến Hiệp định Pa-ri, ông và đơn vị chiến đấu liên tục ở đường 12, Động Tranh, Tây Nam Huế. Sau Hiệp định Pari, ông được điều về làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 54, rồi được cử đi học tại Học viện Chính trị.
Tốt nghiệp Học viện Chính trị, ông được điều về lữ đoàn 40 pháo binh, thuộc quân đoàn 3. Từ tháng 5/1977, ông tham gia chỉ huy tiểu đoàn pháo binh D74 bảo vệ biên giới ở hướng Đắc Song, Đắc Lắc rồi lật cánh về hướng Sa Mát, Cà Tum, tỉnh Tây Ninh. Đến tháng 12/1978, ông được điều về sư đoàn 31 bộ binh và cùng quân đoàn 3 tham gia giải phóng Campuchia. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông lại cùng đồng đội lên đường ra Lạng Sơn và đánh chặn địch ở vùng biên giới.
Một nhà báo – chiến sĩ
Tháng 5/1979, ông cùng sư đoàn rút về tỉnh Bắc Thái, rồi làm cán bộ tuyên huấn và là thông tin viên của báo Quân Đội Nhân Dân. Sau đó, ông được điều về tòa soạn báo Quân đoàn 3, rồi được cử đi học đại học báo chí. Đến tháng 7/1986, ông về làm tại báo Quân đội nhân dân, chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm Thư ký tòa soạn kiêm phóng viên của báo này.
Nhà báo Đặng Thọ Truật đã có những bài báo để lại nhiều ấn tượng, suy ngẫm, thể hiện cốt cách một nhà báo – chiến sĩ. Người ta nhắc đến những bài báo, tiểu luận của ông và khen đó là những “bài văn có lửa” như: “Được về hưu và phải phục viên” góp phần sửa đổi luật sĩ quan quân đội. Các bài: “Học thêm thành nhọc thêm”, “Trăm sự nhờ thầy” góp ý phê phán việc dạy thêm tràn lan và sự sa sút chất lượng giáo dục. Nổi tiếng nhất là bài: “Chất lượng Đảng viên nhập ngũ ở đồng bằng Sông Cửu Long, một vấn đề đáng quan tâm.” Đây là một bài điều tra rất công phu, đụng chạm đến vấn đề rất nhạy cảm, chính trị mà không phải nhà báo nào cũng dám viết.
Nhiều năm qua, đồng đội của ông, trong đó có Trung tướng Hoàng Khánh Hưng- nguyên Chính ủy Học viện quân sự- đã lên tiếng đề nghị đơn vị làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân cho ông. Bởi, với chiến thắng Cô Pung cùng những cống hiến của ông, thì ông rất xứng đáng với danh hiệu cao quý đó. Thế nhưng, cho đến nay, danh hiệu đó vẫn chưa đến với ông.