Trang chủNgười đương thờiĐặng Văn Hỷ, ngọn cờ tiên phong của đội du kích Ngọc Trạo

Đặng Văn Hỷ, ngọn cờ tiên phong của đội du kích Ngọc Trạo

Thứ Ba, 17/11/2015

Đặng Văn Hỷ sinh ngày 01/01/1916 ở làng Cao Mật, tổng Cao Mật, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng Cao Mật liền với làng Nhân Lộ - Lỵ sở của phủ Quảng Hóa và huyện Vĩnh Lộc.

Thân sinh đồng chí Đặng Văn Hỷ là ông Đặng Văn Phúc, mẹ là bà Trịnh Thị Thang. Cha mất sớm khi ông mới bảy, tám tuổi, người mẹ một mình tần tảo nuôi ba người con. Nhưng ông vẫn được mẹ cho học tại trường Tiểu học Pháp – Việt Quảng Hóa. Năm 1933, Đặng Văn Hỷ tốt nghiệp Trường Tiểu học Pháp – Việt Quảng Hóa, vì gia đình không có điều kiện nên ông đã ở nhà giúp mẹ làm việc đồng áng.

 

 

 

 

 

Đồng chí Đặng Văn Hỷ (1916 - 2003)

Đặng Văn Hỷ vốn là một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, ông đã theo người anh rể ra Hà Nội tìm việc làm, hy vọng sẽ kiếm được tiền giúp mẹ, nuôi em. Lúc đầu ông làm thuê ở hiệu Gô Đa, sau làm việc tại một xưởng đồ gỗ ở phố Hàng Hòm. Phát hiện ra Đặng Văn Hỷ có bằng Tiểu học Pháp – Việt, ông đã được chuyển sang làm thư ký, đi giao hàng, làm hợp đồng…

Năm 1937, ông trở về quê, lúc này phong trào cách mạng ở huyện Vĩnh Lộc đang phát triển mạnh. Nhiều nơi đã thành lập hội Tương tế ái hữu và nổ ra các phong trào đấu tranh đòi chia lại công điền, đòi giảm tô, chống sưu cao thuế nặng, đòi cải cách hương thôn, chống hủ tục phong kiến lạc hậu…

Tháng 7 năm 1938, Lê Văn Thiệp, một Đảng viên cộng sản, quê ở làng Phương Giai (cùng tổng Cao Mật) đã triệu tập 10 đồng chí về họp tại nhà ông Nguyễn Thành Kim (Lý Kim) làng Phương Giai, lập ra Ủy ban hành động huyện Vĩnh Lộc. Đồng chí Lê Văn Thiệp được bầu làm Trưởng ban, Đặng Văn Hỷ được cử phụ trách thanh niên.

Đoàn thanh niên dân chủ phát triển rộng dần ở các tổng và làng trong huyện. Chính quyền cai trị ngày một đau đầu vì các hoạt động cách mạng nên liên tục truy lùng người cầm đầu của phong trào. Năm 1939, ông đã bị mật thám và quan lại bắt, bị xử án 18 tháng tù giam.

Tháng 6 năm 1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa họp Hội nghị mở rộng tại Phúc Tỉnh (Yên Định), ông và đồng chí Trịnh Huy Lãn (Trần Tiến Quân) được cử đi dự hội nghị. Sau hội nghị, đồng chí Đặng Văn Hỷ về Cẩm Bào (nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) họp Hội nghị thành lập Ban cán sự phản đế cứu quốc vùng Đông Bắc. Ban cán sự do Đặng Văn Hỷ làm Trưởng ban, Trịnh Huy Lãn và Lê Đình Quỷnh làm ủy viên. Sau đó, Ban cán sự phản đế cứu quốc vùng Đông Bắc đã cùng nhau xây dựng cơ sở, lập Huyện uỷ phản đế cứu quốc huyện Vĩnh Lộc, do đồng chí Vũ Nguyên Dậu (Đông Môn) làm Bí thư; Huyện uỷ phản đế cứu quốc huyện Thạch Thành do đồng chí Nguyễn Trí Đạo (Phú Lộc) làm Bí thư; Ban cũng đã phân công đồng chí Lê Đình Quỷnh phụ trách các huyện Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc. Đồng chí Đặng Văn Hỷ, Trịnh Huy Lãn phụ trách huyện Thạch Thành, có nhiệm vụ tìm và xây dựng căn cứ chiến khu du kích. Sau đó xây dựng thêm các Huyện uỷ phản đế cứu quốc tại huyện Hà Trung và Nga Sơn.

Đồng chí Đặng Văn Hỷ không quản gian khổ và hy sinh, ngày đêm lăn lộn với công việc. Ông là người có tài thuyết giảng tuyên truyền vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng ở các làng, các tổng, các huyện trong vùng. Với những người giàu và có thế lực, những vị chức sắc có tiếng trong vùng như cụ Hội Oanh (Cẩm Bào), cụ Cử Viễn (Phú Lộc)… Đặng Văn Hỷ đã khéo léo gợi ý về lòng yêu nước của các vị tiền bối, để các cụ có cảm tình với cách mạng, đứng ra bảo vệ và ủng hộ cách mạng. Người dân Cẩm Bào gan dạ, chí bền, lòng son, dạ sắt đối với cách mạng. Nơi đây đã bao lần cả làng mưu trí, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng.

Cuối tháng 7 năm 1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập chiến khu du kích Ngọc Trạo (nay là xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành). Ban lãnh đạo chiến khu gồm 3 người, đồng chí Đặng Chậu Tuệ, Đặng Văn Hỷ và Trịnh Huy Lãn. Đêm ngày 19/9/1941, tại hang Treo (xã Hà Long, huyện Hà Trung), đội du kích Ngọc Trạo chính thức tuyên bố thành lập với 21 đội viên, thề nguyện hi sinh, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng chẳng được bao lâu, sáng sớm ngày 19/10/1941, Chánh cẩm Hà Nội Pherlorto chỉ huy một lực lượng lớn quân đội, chia ba mũi tấn công vào chiến khu du kích Ngọc Trạo. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Tối ngày 19/10, Ban lãnh đạo chiến khu Ngọc Trạo bị bắt. Đồng chí Đặng Văn Hỷ bị kết án 5 năm tù giam về tội cầm đầu hội nghị Mỹ Chí và 20 năm tù về tội phụ trách liên huyện, tổng cộng là 25 năm tù và bị đưa đi đày tại Buôn Mê Thuột.

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, núp dưới chiêu bài độc lập giả hiệu do Nhật đạo diễn, chính phủ Trần Trọng Kim phải thả tù chính trị. Trải qua bao năm tháng tù đày, Đặng Văn Hỷ trở về quê hương vào khoảng tháng 5/1945. Lúc này phong trào cách mạng trong tỉnh đang vô cùng sôi nổi, phong trào Việt Minh cuồn cuộn như nước triều dâng. Đồng chí Đặng Văn Hỷ được đồng chí Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt triệu tập đến cơ quan Tỉnh uỷ, kết nạp Đặng Văn Hỷ là Đảng viên đảng cộng sản, bổ sung vào Tỉnh uỷ và phân công phụ trách phong trào ở Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ.

Đêm ngày 18/8/1945, Lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra, Uỷ ban khởi nghĩa các huyện nhanh chóng được thành lập và nhất tề hành động. Uỷ ban khởi nghĩa huyện Vĩnh Lộc do Đặng Văn Hỷ làm chủ tịch. Khí thế cách mạng quần chúng dâng cao, các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ đều nhanh chóng giành chính quyền vào ngày 19/8/1945. Sau khi chính quyền về tay nhân dân, Uỷ ban nhân dân lâm thời huyện Vĩnh Lộc được thành lập do đồng chí Đặng Văn Hỷ làm chủ tịch. Tháng 5 năm 1945, Tỉnh uỷ Thanh Hoá ra quyết định công nhận chi bộ Đảng huyện Vĩnh Lộc và phân công đồng chí Đặng Văn Hỷ làm Bí thư. Ông cũng được bàu làm đại biểu Quốc hội khoá I (nhiệm kỳ 1946 - 1960) của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Từ đó cho đến lúc về hưu, Đặng Văn Hỷ được Đảng và Nhà nước phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng: Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng đoàn Toà án liên khu IV, Chánh án Toà phúc thẩm Hải Phòng, Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Ông còn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng rất nhiều huân chương vì những công lao đóng góp của mình cho đất nước: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Ngày 22/11/2003, do tuổi cao sức yếu, đồng chí Đặng Văn Hỷ đã ra đi tại Bệnh viên Trung ương quân đội 108, hưởng thọ 87 tuổi. Những cống hiến, hy sinh của ông trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng mãi là tấm gương ngời sáng, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá.

N.B.N (tổng hợp)

TLTK: Những chiến sỹ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hoá, tập 1, nxb Thanh Hoá, năm 2010.

 

Danh sách cũ hơn