Trở lại Nhật làm lại từ đầu có không ít khó khăn, nhưng nhờ các ân sư và bạn bè ở Trường Đại học Tokyo quan tâm giúp đỡ nên chẳng mấy chốc ông lại hòa nhập cuộc sống và con đường học thuật. Đúng thời điểm đó, Nhật khởi động Kế hoạch quốc gia Nghiên cứu phát triển vi mạch siêu vi mô.
Vấn đề khoa học nóng bỏng lúc này là thu nhỏ kích thước transistor MOSFET để khuyếch đại quy mô tích tụ của chíp vi mạch. Cộng đồng thiết kế vi mạch thế giới đang rất cần có một mô hình thích hợp cho vấn đề này.
Với tài năng và nhiệt huyết của một nhà khoa học trẻ, ông đã tìm tòi và tóm gọn cách giải quyết vấn đề này thành một bài báo, gửi đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng là Solid – State Electronics. Bài báo của ông đã đưa ra một đáp án thỏa đáng cho vấn đề nóng hổi, đúng lúc, đúng yêu cầu của thời đại.
Công thức tính dòng điện transistor MOS của ông đã được xem là một trong những mô hình cơ bản với tên gọi Dang Model (Mô hình của họ Đặng) đã được in trong quyển sách giáo khoa về khoa học kỹ thuật “Transistors – Fundamentals for the Intergrated – Circuit Engineer” (Transistor- Cơ sở cho Kỹ sư Vi mạch) của tác giả R.M.Warner, Jr. và B.L. Grung, xuất bản năm 1983.
Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu cập nhật công thức trên để giải quyết vấn đề gây ra bởi hiệu ứng kênh ngắn trên transistors. Thành quả này được sử dụng trong nội bộ bộ phận thiết kế vi mạch của tập đoàn Toshiba. Từ những kết quả đó, ông gom lại báo cáo trong một bài báo đăng vào số tháng 4/1979 của một tạp chí khoa học nổi tiếng của Mỹ là IEEE Journal of Solid – State Circuits, và Transactions on Electron Devices. Một bài luận cùng nội dung được đăng cùng thời điểm trên hai tờ báo danh tiếng cho đến nay vẫn còn là chuyện hiếm có (đến năm 2014, bài báo của ông được trích dẫn 92 lần).
Quan trọng nhất là kết quả đăng trong bài báo này đã được ĐH California ở Berkeley, Hoa Kỳ, lồng vào bộ Mô phỏng SPICE với tên gọi là Dang Model trong Mức 3 của MOSFET. Bộ mô phỏng này hiện nay (2022) vẫn được coi là Công cụ quan trọng nhất về Thiết kế Vi mạch. Tên tuổi ông từ đó, không chỉ nổi tiếng ở Nhật mà cả giới khoa học ở các châu lục khác. Học giả từ các nước Mỹ, Đức, Nga… thường tìm đến gặp ông để trao đổi về vấn đề khoa học.
Năm 1983, Hiệu Trưởng Trường Đại học Hosei trực tiếp tới thương lượng với Viện nghiên cứu Trung ương Toshiba mời ông về làm Giáo sư Trưởng Khoa Điện tử Tin học của trường này cho đến ngày nghỉ hưu năm 2002 sau 19 năm làm việc. Trong thời gian này, ông đã trực tiếp đào tạo, hướng dẫn cho trường 7 Tiến sĩ, góp phần đào tạo hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ và vô số kỹ sư.
GS.TS Đặng Lương Mô ở Nhật Bản tổng cộng đúng 40 năm, từ khi ông là chàng sinh viên trẻ mới ngoài 20 tuổi. Tên tuổi của ông đã được ghi vào sách giáo khoa, sách nghiên cứu với vai trò là người có nhiều đóng góp cho khoa học công nghệ Thiết kế Vi mạch.
|