Trang chủNgười đương thờiVua sáng kiến Quảng Bình Đặng Thanh Duệ

Vua sáng kiến Quảng Bình Đặng Thanh Duệ

Thứ Sáu, 01/08/2014

(QBĐT) - Suốt cả 4 lần tỉnh tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, lần nào ông cũng tham gia nhiều giải pháp và đạt nhiều giải. Không chỉ đạt giải tại hội thi tỉnh, ông đạt luôn cả giải cao tại Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ toàn quốc và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ông được mệnh danh là "Vua sáng kiến Quảng Bình". Đó là ông Đặng Thanh Dệ, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Đại Trường Phát.

Từ cậu học trò dám vác bom bi về làm…radio

Thuở nhỏ, cậu học trò nghèo quê ở Đức Ninh đã say mê môn vật lý và học rất giỏi môn này. Những thuật ngữ "điện trở", "bán dẫn"... làm cậu bé mê mẩn hơn cả đá bóng, đánh khăng... Niềm đam mê vật lý đã mang lại cho cậu bé trường làng nhiều giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi môn này. Rồi như là duyên kỳ ngộ, cậu gặp "ông thầy" ấy.

Một đơn vị bộ đội đóng quân ngay trong làng và chú bộ đội "ông thầy" ấy ở ngay trong nhà cậu bé. Chú bộ đội ấy tên là Hoàng Hữu Thước, vốn học Trường trung cấp truyền thanh Vĩnh Phú nhưng rồi tham gia quân ngũ, trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam có thời gian đóng quân tại Đức Ninh. Thấy cậu bé trong nhà thông minh, ham mê vật lý, chú Thước đã chỉ cho cậu cách làm radio từ... đầu bom bi. Ở quả bom bi lớn có một cái đầu điều khiển điện tử, khi bom rơi đến gần mặt đất, đầu điều khiển sẽ làm quả bom nổ và hàng trăm quả bom bi nhỏ sẽ bung ra.

Chú Thước hướng dẫn cho cậu bé: khi có bom, ngồi gần cửa hầm quan sát để biết đầu điều khiển bom bi rơi về phía nào, khi hết bom tìm đầu về sử dụng làm radio. Cậu bé đã làm theo và tìm được đầu điều khiển bom bi mang về nhà. Thấy cậu bé vác đầu bom bi về, cả làng tá hỏa vì sợ, không hiểu sao cậu lại vác bom đạn về nhà. Thế rồi ông thầy bộ đội hướng dẫn cậu tháo đầu điều khiển bom bi, lấy điện trở thế nào, bóng bán dẫn ra sao, hàn và lắp ráp loa kim... Loay hoay mãi, cuối cùng cậu bé cũng hoàn thành sản phẩm kỹ thuật đầu tay, đó là chiếc radio tự lắp ráp bằng... bom bi! Đó là năm 1969, cậu bé vừa bước vào tuổi 13.

Điều đặc biệt cảm động đó là chiếc radio của cậu bé ham mê vật lý đã giúp cả xóm nghe lễ truy điệu Bác Hồ kính yêu. Từ đó, cả xóm nhỏ nơi gia đình cậu bé sinh sống đều biết khả năng đặc biệt của cậu về vật lý, và khi xóm nghèo có điện, cậu trở thành người bắt điện, kéo điện... cho cả xóm dùng. Và chú bộ đội Hoàng Hữu Thước năm xưa, sau giải phóng, đã về công tác tại bộ phận bổ túc văn hóa Ty Giáo dục Quảng Bình.

 Đến thầy giáo làm mô tơ phát điện bằng sức gió

Học hết phổ thông, cậu bé đam mê vật lý, lúc đó đã thành một thanh niên, vào học Trường cao đẳng sư phạm Quảng Bình, sau đó, trong số 135 giáo viên tăng cường cho Trị Thiên, thầy giáo trẻ Đặng Thanh Dệ là người duy nhất được bố trí dạy tại Trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục và bổ túc văn hóa cấp III Triệu Hải. Anh làm thầy giáo dạy học sinh cấp 3 kiêm dạy nghề trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1989. Đã là một nhà giáo, nhưng niềm đam mê khoa học vẫn thôi thúc nên anh tiếp tục thi vào học Trường đại học tổng hợp Huế và hoàn thành khóa học từ năm 1984 đến năm 1989.

 

Ông Đặng Thanh Dệ (thứ 5 từ phải sang) nhận giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và giải thưởng Wipo năm 2009.

Thời kỳ những năm đầu thập kỷ 80, đất nước ta còn nghèo, nhiều nơi chưa có điện, khu vực nơi anh công tác ở Quảng Trị cũng vậy. Thế là ông giáo vật lý mày mò nghĩ cách làm... điện để gia đình và những người trong khu vực có điện sinh hoạt. Anh đã sáng chế ra một mô tơ phát điện chạy bằng sức gió từ một chiếc cột cao 7m ở trên nóc nhà. Nhìn chiếc quạt gió ngất ngưỡng trên nóc nhà, mọi người đều ngạc nhiên không biết ông giáo đang làm gì. Thế rồi anh sản xuất ắc quy, xạc điện vào ắc quy từ "máy phát" chạy bằng sức gió nói trên.

Chiếc máy phát của anh giúp gia đình anh và các hộ xung quanh có điện sinh hoạt, đồng thời giúp anh làm... "giàu". Từ 1982 đến 1985, mặc dù đồng lương thầy giáo còm cõi, nhưng bằng việc sản xuất ắc qui để bán, anh đã xây được nhà. Bây giờ, những người dân ở đường Nguyễn Trãi thị xã Quảng Trị khi nói đến chiếc quạt gió trên trần nhà là nhớ đến thầy giáo đam mê khoa học.

 

Và ông kỹ sư điện tự động - vua sáng kiến của Quảng Bình

Bình Trị Thiên tách tỉnh, cũng như bao con em Quảng Bình, ông giáo cùng gia đình về lại quê hương nhưng không làm nhà giáo mà vào làm ở... Công ty vật tư tổng hợp Quảng Bình. Niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật vẫn nung nấu trong ông nên ông đăng ký thi vào Trường đại học bách khoa Đà Nẵng, khoa điện tự động. Tốt nghiệp khóa học, trở thành ông kỹ sư điện tự động, ông được mời về làm Phó giám đốc Công ty liên doanh VINASIAM. Như cái cây có nguồn nước tưới, về làm việc ở Nhà máy VINASIAM, ông có điều kiện để nghiên cứu và sáng tạo kỹ thuật. Lại như diều gặp gió, khi trong con người ông "bùng phát" những sáng tạo kỹ thuật thì cũng là lúc Quảng Bình bắt đầu tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh, lựa chọn những giải pháp tốt tham gia hội thi toàn quốc.

Ở Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất năm 2005, ông tham gia 5 giải pháp và đạt giải 3 giải pháp: giải pháp dùng tháp lấy sức gió để sục khí hồ nuôi tôm đã đoạt giải nhì, hai giải pháp cải tạo máy móc ở nhà máy VINASIAM đoạt giải ba và giải khuyến khích. Với giải pháp dùng sức gió để sục khí hồ nuôi tôm, ông đã tự bỏ tiền túi 58 triệu đồng để thực hiện. Giải pháp mang lại hiệu quả cao, nhưng đáng tiếc lúc đó giá thành còn cao, sức vốn các doanh nghiệp còn yếu nên chưa có ai mạnh dạn để đầu tư nhân rộng nên mới chỉ dừng lại ở phương pháp nghiên cứu khoa học. Còn các giải pháp cải tạo máy móc, dây chuyền thiết bị của nhà máy thì mang lại hiệu quả rất lớn, bởi nếu không thực hiện các giải pháp cải tạo này, nhà máy buộc phải mua thêm máy mới trị giá hàng tỷ đồng.

Ở Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ hai năm 2007, ông tham gia 3 giải pháp và đoạt một giải ba, một giải khuyến khích về bộ guồng sục khí SIAMPLASTIC phục vụ nuôi trồng thủy hải sản và tạo hoa văn trên sản phẩm nhôm. Sáng kiến của ông về bộ guồng sục khí nuôi trồng thủy hải sản được chọn tham gia Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ toàn quốc và đạt giải khuyến khích. Trường đại học thủy sản Nha Trang thấy giải pháp của ông rất tốt nên đã xin phép đưa về ứng dụng trong việc nuôi trồng thủy sản. Chương trình VTV1 đã có giới thiệu về việc ứng dụng giải pháp kỹ thuật của ông tại Trường đại học thủy sản Nha Trang.

Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ ba (năm 2008-2009), ông tham gia 2 giải pháp và giải pháp "Chế tạo động cơ điện một chiều công nghệ mới không dây cuốn" và "Thuyền du lịch thân thiện môi trường" đoạt giải nhì. Đây là giải pháp đột phá công nghệ mới mà ông phải ấp ủ 3 năm mới hoàn thành việc sáng tạo. Điều đặc biệt nó được thay thế các cuộn dây thông thường bằng các lá đồng mỏng, bộ chổi than, có nhiều ưu điểm hơn các bộ động cơ điện thông thường, đặc biệt là giảm thất thoát điện năng trong quá trình sử dụng. Động cơ điện một chiều công nghệ mới không dây cuốn đã được áp dụng lắp vào động cơ xe máy điện, vào thuyền du lịch sử dụng năng lượng mặt trời.

Giải pháp sáng tạo kỹ thuật này của ông đã được Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ toàn quốc trao giải nhì và ông là một trong 9 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Giải pháp này của ông cũng đã được Viện Công nghệ mới chọn là một trong năm đề tài của Việt Nam tham gia Hội thảo quốc tế ứng dụng và phát triển công nghệ mới được tổ chức từ ngày 14 đến 16-12-2011 tại Thái Lan với hơn 40 trường đại học của 14 nước tham dự. Và ông đã được mời thuyết trình về đề tài này tại hội thảo. Đề tài của ông đã được Ban tổ chức hội thảo xếp vào một trong 5 đề tài tốp A.

Tại hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ IV của tỉnh (năm 2010-2011) ông tham gia 4 giải pháp và có 3 giải pháp đoạt giải: một giải nhất, một giải ba, một giải khuyến khích. Giải pháp tiết kiệm năng lượng dùng cho xe mô tô hai bánh được đánh giá cao bởi tính ưu việt của nó trong việc tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải độc hại. Bằng ống bô cải tiến của ông, xe mô tô hai bánh sẽ tiết kiệm xăng từ 8-9% và hàm lượng khí thải ra môi trường giảm từ 4,5-5%. Giải pháp này được chọn để dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2011.

Là con người luôn đam mê sáng tạo, ông chưa chịu dừng lại ở những gì mình đã đạt được mà vẫn đang tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Hiện ông đang nghiên cứu chế tạo sản phẩm bức tường xanh thẳng đứng, là bộ dụng cụ để trồng rau xanh cho các hộ gia đình, các bảng quảng cáo, vách ngăn, dải phân cách... Điều đặc biệt của sản phẩm này là rất thân thiện, góp phần làm giảm nhiệt độ môi trường, khi mà trái đất đang ngày càng nóng lên. Việc trồng cây trên bức tường thẳng đứng vừa tiết kiệm được diện tích, vừa giảm được hấp thụ nhiệt của bê tông cốt thép. Giải pháp này hứa hẹn tính ứng dụng rất cao. Ông còn sáng tạo làm thang máy để sử dụng trong gia đình, sản xuất giường đa năng...

Đã vào tuổi 55 nhưng ông vẫn còn đam mê lắm việc nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật. Ông tâm sự: "Niềm đam mê vẫn còn đầy ắp, nhưng tuổi đã khá cao rồi nên thời gian tới tôi phải nghiên cứu có trọng tâm, không tham việc nữa". Nói vậy, nhưng tôi hiểu trong con người ông bầu máu nóng sáng tạo vẫn đang tuôn chảy và chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều giải pháp sáng tạo kỹ thuật mới nữa lại sẽ ra đời. Trong vườn hoa sáng tạo của Quảng Bình chắc chắn sẽ vẫn có sắc hoa đẹp vốn được mệnh danh là "vua sáng kiến".

Hữu Thái (Báo Quảng Bình)

 

Danh sách mới hơn