Trang chủTìm trong sử sáchĐặng Huy Trứ – ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam

Đặng Huy Trứ – ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam

Thứ Năm, 08/09/2016

Phan Bội Châu đã từng nhận định rằng Đặng Huy Trứ (1825-1874) là ”Một trong những người trồng mầm khai hoá đầu tiên của Việt Nam“. Quả thật, ông quan thanh liêm thời Tự Đức này đã có công rất lớn trong việc gieo mầm canh tân cho nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX.

Phan Bội Châu đã từng nhận định rằng Đặng Huy Trứ (1825-1874) là ”Một trong những người trồng mầm khai hoá đầu tiên của Việt Nam“. Quả thật, ông quan thanh liêm thời Tự Đức này đã có công rất lớn trong việc gieo mầm canh tân cho nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX với tư tưởng phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải); phát triển khoa học quân sự (đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược và chiến thuật, cử người đi học hỏi những kỹ nghệ phương Tây như đóng thuyền, chế tác vũ khí); cải cách xã hội (chống tư tưởng trọng văn khinh võ, chống hối lộ – tham nhũng, nhấn mạnh đức tính cần kiệm liêm chính – chí công vô tư của quan lại). Ông lập ra các thương điếm như Lạc Sinh Điếm, Lạc Thanh Điếm và Ty Bình Chuẩn để giao thương với phương Tây, tạo dựng nền tảng tài chính và quân sự cho triều đình nhà Nguyễn trong những 1850-1870.

Năm 1865, Đặng Huy Trứ đã được cử đi xứ tại Hương Cảng (Hongkong) và đã đem về một cuốn sách về máy hơi nước cho chính ông dịch ra tiếng Hán. Trong thời gian này, ông cũng tiếp xúc với nghệ thuật nhiếp ảnh còn manh mún trên thế giới và sau đó đã mở hiệu ảnh đầu tiên tại Việt Nam có tên Cảm Hiếu Đường (phố Thanh Hà, Hà Nội) vào ngày 14/3/1869.

Tiếc rằng tư duy canh tân của Đặng Huy Trứ đã không được tiếp tục duy trì và phát triển sau khi ông mất (năm 1874). Nghệ thuật nhiếp ảnh tại Việt Nam cũng phải tới những năm 1930 với sự đam mê không bờ bến của cụ Võ An Ninh mới lại được nhen nhóm trở lại và dần dần phát triển cho tới ngày nay. Cụ Võ An Ninh có thể coi là ông tổ của nhiếp ảnh hiện đại tại Việt Nam nhưng Đặng Huy Trứ chính là người đầu tiên đã mang nhiếp ảnh tới Việt Nam. Ngoài ra, Đặng Huy Trứ cũng là người đầu tiên đã duy nhập kỹ thuật đóng tàu của phương Tây vào Việt Nam.

Theo http://facts.baomoi.com

 

 

ÔNG TỔ CỦA NHIẾP ẢNH VIỆT NAM

 Dương Anh Xuân

 Đặng Huy Trứ , người Huế, là nhà trí thức nho học, đỗ đầu khoa thi hương năm 1847, được cử làm bố chánh Quảng Nam, sau giữ chức Ngự Sử rồi đến Biện lý bộ Hộ. Các năm 1865 đến 1867 ông được  triều đình  nhà Nguyễn cử đi sứ sang Trung Quốc. Tại Hồng Kông, Ông tiếp xúc với nghề ảnh, tìm tòi học được nghề rồi mua thiết bị về nước mở hàng ảnh.

Năm 1869, ông mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, hiệu ảnh đầu tiên và duy nhất của người Việt ở phố Thanh Hà, Hà Nội cho đến thời điểm ấy. Khi quân Pháp tiến đánh thành Thăng Long (1872), Đặng Huy Trứ cầm quân chống Pháp bên cạnh Tổng đốc Nguyễn Tri Phương. Hà thành thất thủ, ông tiếp tục kéo quân lên mạn Tây Bắc, tiếp tục giữ vững khí tiết của một nhà nho yêu nước. Về sau Ông chết ở Đồn Vàng (tỉnh Hoà Bình).  Về  nghề ảnh, hiện chưa tìm được ảnh phẩm của Ông lưu lại, nhưng Ông để lại nhiều bài thơ, về sau tập hợp trong Đặng Trung thi tập.

Với hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, Ông đã mở đường cho nhiếp ảnh du nhập vào nước ta, giúp người Việt tiếp cận với kỹ thuật của phương Tây. Như vậy là chỉ 30 năm sau khi thế giới chứng kiến phương pháp ghi hình ảnh lên vật liệu khác bằng hoá chất từ những thí nghiệm của Daguerre và được Viện Hàn lâmkhoa học Pháp công nhận phát minh này vào ngày 7-1-1839, người Việt đã tiếp xúc và sử dụng được thành tựu của nền văn minh mới của nhân loại.Điều đó cho thấy sự nhạy bén trong việc tiếp thu kỹ thuật mới cũng như thái độ sẵn sàng hội nhập của người Việt. Đó cũng là đặc điểm của nhiếp ảnh Việt Nam từ trước tới ngày nay trong việc học tập kỹ thuật mới cũng như tham gia hội nhập quốc tế.

Mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, Ông Đặng Huy Trứ cho treo “yết cáo” với nội dung và mục đích rõ ràng. Có mấy điểm đáng lưu ý:

- Ông còn ngại tư tưởng bài ngoại của người đương thời đối với “đám quỷ Tây dương”, có thể tẩy chay công việc của mình vì lúc ấy Pháp đã chiếm trọn Nam kỳ,lòng người oán hận phương Tây nên động viên “Các vị khách hàng đến chụp ảnh đừng ngại, tôi học nghề này từ nước Nhà Thanh là nước có bang giao với nước Đại Nam ta”. Từ đó  có nhiều người mạnh dạn đến hiệu để “thử” thành tựu của nền văn minh mới này.

- Chụp ảnh là việc hôm nay, nhưng lại là việc hiếu nghĩa với ông bà “một khi đi xa”, có hình ảnh người khuất như đang cùng sống với con cháu và để phụng thờ, “luôn luôn thấy mặt cha mẹ bên cạnh, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt”. Nêu lên được điều này, Ông đã đánh trúng vào tâm lý chuộng đạo nghĩa của người Việt do đó khách hàng ngày càng đông.

- Trong bảng chào hàng cũng như bảng kê tính tiền, có sự phân biệt, dễ thấy thái độ của chủ nhân trong việc ưu ái với người bình dân là số đông lúc bấy giờ: “ảnh mặc đại trào phục, ảnh đầu giá 27 quan 5 tiền; ảnh mặc trào phục thường, ảnh đầu giá 22 quan; ảnh mặc thường phục, ảnh đầu giá 16 quan 5 tiền. Trong ảnh có người khác làm thêm, nếu là đồng liêu thì giá 3 quan, nếu là cấp dưới-trẻ nhỏ-người giúp việc thì giá 2 quan… Chụp rồi thì bốn ngày sau có thể lấy được ảnh”.

Đây là cách quảng bá hợp với lòng người nên cùng với một số hiệu ảnh của người Pháp và người Hoa đã mở ở các thành phố lớn như Hà Nội, Huế ,Sài Gòn…nghề ảnh đã đi vào nước ta và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trải qua nhiều giai đoạn  lịch sử, nhiếp ảnh đã không dừng lại ở việc chụp ảnh lưu niệm như giai đoạn đầu mới du nhập vào Việt Nam mà đã đồng hành với những người thợ ảnh yêu nước đi vào các cuộc kháng chiến, trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén động viên bằng người thật việc thật, “trăm nghe không bằng một thấy”, góp phần ghi lại  khá trọn vẹn lịch sử  hào hùng của đất nước một trăm năm qua.

Ngày 15 tháng 3 năm 1953 trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp dang ở giai đoạn quyết liệt, tại chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh “Thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, khẳng định vai trò lớn lao của nhiếp ảnh trong đời sống dân tộc. Năm 2003, nhân kỷ niệm tròn 50 năm sắc lệnh này ra đời, nhà nước đã quyết định lấy ngày 15 tháng 3 hàng năm là ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam.

Ngày 15 /3 /2004, nhân kỷ niệm 135 năm ngày khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường và để ghi công của vị Tổ đã khai sinh ra nghề ảnh ở Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên-Huế đã phát động trên toàn quốc “phong trào một giọt đồng cho tượng đồng Đặng Huy Trứ”. Phong trào đã nhận được sự ủng hộ từ đông đảo những người làm nghề ảnh, những nghệ sĩ nhiếp ảnh trong cả nước với tấm lòng biết ơn  đối với vị Tổ của nghề. Tượng bán thân của Đặng Huy Trứ  có tỷ lệ 1-1  đầu đội mũ cánh chuồn, đôi mắt sáng,gương mặt thể hiện nỗi trăn trở lo toan cho đất nước vừa được khánh thành và làm lễ dâng hương vào ngày 14 /3/2007 tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo quan điểm sử học, Tổ nghề là người bản xứ đầu tiên hành nghề hoặc du nhập nghề vào nước ta, như vậy, đến nay giới nhiếp ảnh có thể yên tâm mình đã có Tổ nghiệp chứ không phải loay hoay ,trăn trở tìm trong sách vở phương Tây.


Danh sách cũ hơn