Trang chủTìm trong sử sáchĐặng Nguyên Cẩn, một danh nhân xứ Nghệ

Đặng Nguyên Cẩn, một danh nhân xứ Nghệ

Thứ Hai, 26/09/2016

Mậu Dần (1878), Đặng Thai Giai, thuộc thế hệ thứ 8 của dòng họ Đặng, đã đậu cử nhân. Đến khoa thi năm Ất Mùi (1895), con trai của ông là Đặng Nguyên Cẩn đậu Phó bảng. Cao Xuân Dục, trong lời tựa cuốn Gia phả họ Đặng đã viết: Thế là họ Đặng đã khai khoa cho cả vùng. Từ đó Điền Lao được đổi tên là Lương Điền. Hơn thế nữa, dòng họ này sẽ còn đóng góp nhiều người con ưu tú của mình cho sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập của đất nước, có thể kể: Đặng Thai Giai, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Quỳnh Anh, Đặng Thai Mai.

Làng quê của Đặng Nguyên Cẩn ở cuối tỉnh Nghệ An, giáp giới Hà Tĩnh. Ngày nay, Hà Tĩnh là một tỉnh riêng nhưng ở thời điểm lúc bấy giờ thì Hà Tĩnh đang thuộc tỉnh Nghệ An. Trong phạm vi địa giới này thì huyện Thanh Chương của Đặng Nguyên Cẩn lại ở vị trí trung tâm của tỉnh. Phía Nam Thanh Chương là huyện Hương Sơn, quê hương của Lê Hữu Trác (1724-1791), một danh y của y học dân tộc Việt Nam, nổi tiếng về nhiều phương diện: lý luận bệnh học, phương pháp điều trị, sử dụng dược liệu Việt Nam, đạo đức người thầy thuốc. Theo hướng đi ra biển, sau Hương Sơn là đến huyện Đức Thọ, quê hương của Phan Đình Phùng (1847-1895), lãnh tụ tiêu biểu cho phong trào Cần Vương chống Pháp. Tiếp theo là huyện Nghi Xuân, quê hương của nhà thơ Nguyễn Du (1765-1820), tác giả Truyện Kiều, kiệt tác nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam. Giáp với Thanh Chương về phía Đông Nam là huyện Nam Đàn, quê hương của Phan Bội Châu (1867-1940) và Hồ Chí Minh (1890-1969). Chỉ trong một vùng đất của tỉnh Nghệ An, bán kính khoảng 10km, mà có đến năm tên tuổi hàng đầu của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Le Breton, tác giả Le Vieux An-Tĩnh, nhận định: "An-Tĩnh là một xứ sở giàu có những điều kỳ vĩ… Đây là cái nôi của triều đại. Nơi đây đã xuất hiện những vị hoàng đế, những kẻ cướp ngôi, những chiến binh và những thi nhân. Mỗi địa phương đều lưu giữ một phần lịch sử”.

Đặng Nguyên Cẩn quê ở làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1867, cùng năm với một người bạn ở huyện bên cạnh mà tên tuổi đã sớm trở thành nổi tiếng: Phan Bội Châu. Chân dung của Đặng Nguyên Cẩn do Huỳnh Thúc Kháng phác họa như sau: "Cụ Đặng Nguyên Cẩn, một nhà túc học, sĩ phu Nghệ Tĩnh xem như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu, là một người bạn già của Phan Bội Châu. Vóc người nhỏ bé, mặt mũi đen sạm, ngoài văn học ra không biết thứ gì! Tướng cụ xấu, nếu như không quen biết mà gặp cụ lần đầu tất cho là một người không biết "chữ nhất là một”, mà ai có dè trong bụng như một kho sách, khí áp nghìn quân, cái ngòi bút cổ kim không ai sánh, cùng với cái tướng xấu quê đen quặm kia, hiệp thành cái lạ mà người đời ít có!”.

Làng quê của Đặng Nguyên Cẩn ở cuối tỉnh Nghệ An, giáp giới Hà Tĩnh. Ngày nay, Hà Tĩnh là một tỉnh riêng nhưng ở thời điểm lúc bấy giờ thì Hà Tĩnh đang thuộc tỉnh Nghệ An. Trong phạm vi địa giới này thì huyện Thanh Chương của Đặng Nguyên Cẩn lại ở vị trí trung tâm của tỉnh. Phía Nam Thanh Chương là huyện Hương Sơn, quê hương của Lê Hữu Trác (1724-1791), một danh y của y học dân tộc Việt Nam, nổi tiếng về nhiều phương diện: lý luận bệnh học, phương pháp điều trị, sử dụng dược liệu Việt Nam, đạo đức người thầy thuốc. Theo hướng đi ra biển, sau Hương Sơn là đến huyện Đức Thọ, quê hương của Phan Đình Phùng (1847-1895), lãnh tụ tiêu biểu cho phong trào Cần Vương chống Pháp. Tiếp theo là huyện Nghi Xuân, quê hương của nhà thơ Nguyễn Du (1765-1820), tác giả Truyện Kiều, kiệt tác nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam. Giáp với Thanh Chương về phía Đông Nam là huyện Nam Đàn, quê hương của Phan Bội Châu (1867-1940) và Hồ Chí Minh (1890-1969). Chỉ trong một vùng đất của tỉnh Nghệ An, bán kính khoảng 10km, mà có đến năm tên tuổi hàng đầu của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Le Breton, tác giả Le Vieux An-Tĩnh, nhận định: "An-Tĩnh là một xứ sở giàu có những điều kỳ vĩ… Đây là cái nôi của triều đại. Nơi đây đã xuất hiện những vị hoàng đế, những kẻ cướp ngôi, những chiến binh và những thi nhân. Mỗi địa phương đều lưu giữ một phần lịch sử”.

Nằm giữa vùng đất nổi tiếng đó, làng quê của Đặng Nguyên Cẩn chỉ là một nơi hiu quạnh, hẻo lánh. Tên cũ của làng là Điền Lao (Điền là ruộng, Lao là trại nuôi bò). Cái tên đó đã phản ánh phần nào sinh hoạt của dân làng ở một thời xa xưa, khi mới di cư đến đây khai hoang lập ấp. Cuộc sống còn chật vật nên chưa ai dám nghĩ đến chuyện học hành. Dân làng truyền tụng câu chuyện, ngày xưa Điền Lao đã có một ông đồ nổi tiếng hay chữ. Nhưng trước kỳ sơ khảo, tên của ông bị hào lý địa phương ghi vào danh sách điền binh, thế là ông bị áp giải lên tỉnh. Khi qua sông Lam, ông nhảy xuống sông tự vẫn. Trước khi chết, ông thề: "Đến khi nào đá nổi, tre chìm, thì Điền Lao mới có được người đỗ đạt”. Dân làng tin vì lời thề đó mà hàng trăm năm sau, Điền Lao không có người nào vào được vòng sơ khảo của huyện, nói gì đến chuyện thi Hương, thi Hội!.

Thế rồi đến khoa thi năm Mậu Dần (1878), Đặng Thai Giai, thuộc thế hệ thứ 8 của dòng họ Đặng, đã đậu cử nhân. Đến khoa thi năm Ất Mùi (1895), con trai của ông là Đặng Nguyên Cẩn đậu Phó bảng. Cao Xuân Dục, trong lời tựa cuốn Gia phả họ Đặng đã viết: Thế là họ Đặng đã khai khoa cho cả vùng. Từ đó Điền Lao được đổi tên là Lương Điền. Hơn thế nữa, dòng họ này sẽ còn đóng góp nhiều người con ưu tú của mình cho sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập của đất nước, có thể kể: Đặng Thai Giai, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Quỳnh Anh, Đặng Thai Mai.

Bước vào đầu thế kỷ XX, Đặng Nguyên Cẩn cũng như cả thế hệ nhà nho trẻ tuổi của Việt Nam phải đối diện với cục diện mới của đất nước: Phong trào đấu tranh giành chủ quyền dân tộc bằng biện pháp vũ trang mà tiêu biểu là phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, mặc dầu anh dũng có thừa, đã thất bại một cách đau đớn. Ở miền Bắc, Hoàng Hoa Thám đang chiếm cứ một vùng rừng núi hiểm yếu nhưng cuộc chiến đó đang trở thành đơn độc và vô vọng. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, lời dạy Thánh hiền vẫn văng vẳng bên tai, nhưng đi theo đường lối nào đây?

Lực lượng xâm lược lần này không còn là địch thủ của hàng thế kỷ trước, thỉnh thoảng vẫn từ phương Bắc tràn xuống, mà lại từ phương Tây xa xôi vượt trùng dương mà đến. Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của họ hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết của tầng lớp trí thức của một nước nhỏ phương Đông, hàng ngàn năm qua chỉ biết có thiên triều Trung Quốc và các giáo điều Khổng - Mạnh.

Giữa lúc đó, tân thư Trung Quốc qua cửa biển Hải Phòng và Hội An, qua tay các nhà buôn Hoa kiều, lọt vào Việt Nam. Lần đầu tiên các nho sĩ trẻ của Việt Nam được thông tin về những sự kiện quan trọng xảy ra ở ngay nước láng giềng: cuộc Duy Tân của Nhật Bản, cuộc chính biến Mậu Tuất (1898) ở Trung Quốc, chiến tranh Nga - Nhật, trong đó lần đầu tiên người da vàng đã đánh thắng người da trắng. Những thông tin này kích động mạnh mẽ các nho sĩ Việt Nam yêu nước.

Năm 1889, tại Huế, Phan Bội Châu, một nho sĩ trẻ tuổi chưa có danh vọng khoa cử, nhưng có trái tim yêu nước nồng nàn, nhờ sự giới thiệu của Đặng Nguyên Cẩn đang làm việc ở Quốc sử quán Huế đã được Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền cho mượn bản Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch và một số tân thư như Phổ - Pháp chiến kỉ, Trung Quốc chiến kỉ, Doanh hoàn chí lược. Phan cho biết: "Tôi xem những sách ấy, tư tưởng thế giới của tôi bắt đầu nảy mầm và mới hiểu sơ qua về tình hình cạnh tranh trên thế giới và thảm trạng mất nước, nòi giống diệt vong”.

Sau khi xuất dương sang Nhật, được nghiên cứu Khế ước xã hội của J.J Rousseau, Phan Bội Châu rất tâm đắc. Ông đã xếp lại tư tưởng quân chủ, tư tưởng dân chủ dần dần phát triển, từ đó đã đi đến quyết định giải tán Duy Tân hội và thành lập tổ chức Việt Nam Quang phục hội với tôn chỉ là khôi phục nước Việt Nam, thành lập Cộng hòa dân quốc.

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), quê Quảng Nam, đỗ tiến sĩ năm 1904, nhưng cáo bệnh không ra làm quan, ở nhà bắt đầu học chữ Quốc ngữ và thường cùng Phan Châu Trinh đến nhà Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ đọc tân thư như: Mậu Tuất chính biến, Trung Quốc hồn, Nhật Bản Duy Tân, Tân dân tùng báo cùng các sách Âu châu dịch sang Hán văn, nhờ đó biết được đôi chút biến thiên của thế giới.

Tóm lại, những năm đầu thế kỷ XX, người ta chứng kiến niềm khao khát tân thư của các nho sĩ trẻ Việt Nam. Tân thư đã đem đến cho họ những chân trời tri thức mới và quan trọng hơn, hé mở một cơ hội có ý nghĩa lịch sử về kế sách cứu nước trong tình hình mới.

Đặng Nguyên Cẩn (1867-1923) sau khi đỗ Phó bảng (1895) được bổ làm Trước tác Quốc sử quán Huế. Tại đây, ông có điều kiện nghiên cứu tân thư và quen biết các chí sĩ duy tân đến từ các địa phương của đất nước.

Đầu năm 1905, trên đường bí mật xuất dương sang Nhật, Phan Bội Châu đã ghé thăm Đặng Nguyên Cẩn, bấy giờ làm Đốc học Nghệ An ở Vinh. Đặng Nguyên Cẩn nói với Phan Bội Châu: "Ông phải đi ngay, còn việc cần kíp ở trong nước là mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài thì Ngô Đức Kế và tôi xin đảm nhận”.

Với chức trách Đốc học, lần lượt ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, qua các kỳ giảng huấn, giảng tập hàng tháng tại Trường Đốc, ông có một diễn đàn quan phương để quảng bá tư tưởng tân học trong thanh niên. Ông liên lạc với nhóm Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) để tiếp cận các tài liệu giảng dạy và thơ văn yêu nước do trường này biên soạn và phổ biến.

Tháng 7/1905, Phan Bội Châu từ Nhật bí mật về nước, gặp lại Đặng Nguyên Cẩn trong một chiếc thuyền nhỏ trên sông Lam. Phan đưa cho Đặng xem thủ bút của Lương Khải Siêu, trong đó có nói đến việc sẽ bí mật tổ chức viện trợ cho Việt Nam. Đặng liền nói: "Chúng ta nên nhân cơ hội này tổ chức các hội Nông, Thương, Học làm cho người trong nước biết có đoàn thể, thì công việc vận động mới dễ”.

Sau đó, Đặng Nguyên Cẩn cùng Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá lập Triêu dương thương quán, trụ sở ở Vinh và có đại lý ở một số huyện buôn nhiều thứ nhưng toàn hàng nội hóa và lâm thổ sản địa phương như tơ lụa, đường, mật, cau khô và cả gỗ để bán cho Nhà máy Cưa Bến Thủy. Triêu dương thương quán một mặt nhằm mục đích chấn hưng thương nghiệp, tự lực tự cường nhưng không phải là một hiệu buôn thuần túy mà mặt khác còn có mục đích gây nguồn tài chính, hỗ trợ cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Ngay Sở Mật thám thuộc Toàn quyền Đông Dương cũng thừa biết rằng "Ngô Đức Kế hợp tác với Đặng Nguyên Cẩn, giả danh hoạt động buôn bán nhưng kỳ thực là để gửi ngân quỹ cho Phan Bội Châu”.

Nhà sử học Jean Chesneaux nhận định: "Các nhà nho sẽ từ bỏ sự khinh bỉ cổ truyền đối với những hoạt động kinh tế trong chừng mực mà sự phát triển kinh tế hòa hợp tầng lớp tư sản với mục tiêu chính trị vì độc lập”.

Trước đấy, viện cớ có cha mẹ già cần phụng dưỡng, Đặng Nguyên Cẩn đã xin chuyển từ Huế về Nghệ An, đầu tiên làm Giáo thụ huyện Hưng Nguyên, rồi thăng Đốc học tỉnh Nghệ An, Đốc học tỉnh Hà Tĩnh, nhưng vì các hoạt động truyền bá tân học này mà ông bị đẩy ra xa, vào tận cực Nam Trung Bộ, nhận chức Đốc học tỉnh Bình Thuận. Chưa được bao lâu thì vụ chống thuế ở Trung Kì bùng nổ (3/1908), Đặng Nguyên Cẩn bị bắt, giải về giam ở Hà Tĩnh để chờ xét xử. Án sát tỉnh Hà Tĩnh bấy giờ là Cao Ngọc Lễ đã nổi tiếng với "thành tích” bắt sống thầy học là nhà văn thân yêu nước Tống Duy Tân nộp cho Pháp xét xử. Nhân dân đã chôn sống y bằng hai vế đối:

Vô địa khả mai Cao Ngọc Lễ

Hữu thiên bất tử Tống Duy Tân

(Dịch: Chẳng có đất để chôn thằng Cao Ngọc Lễ,

Còn trời thì cụ Tống Duy Tân còn sống mãi!)

Với Cao Ngọc Lễ thì Đặng Nguyên Cẩn từng quen biết (!). Trước đây có lần Đặng Nguyên Cẩn được cử làm giám khảo trường thi Hương ở Thanh Hóa, Cao Ngọc Lễ đã hạ cố đến thăm tại nhà để lo lót cho con (tất nhiên là việc không thành), còn bây giờ thì danh phận mỗi người một khác.

Cao Ngọc Lễ chất vấn:

1. Cái tên "Triều dương thương quán” phải chăng là có ý chầu Nhật Bản để chống chính phủ bảo hộ?

2. Truyền bá tân học, đề xướng duy tân, nhằm mục đích gì?

Trả lời:

1. "Triêu dương” chứ không phải là "Triều dương”. "Triêu dương” là đặt theo chữ "Triêu dương minh phương”: chim phượng hoàng cất tiếng gáy lúc sáng sớm, hàm ý chỉ: Thời đại mới huy hoàng.

2. Truyền bá tân học vì muốn cho dân ta cũng sẽ có được văn minh như người Âu.

Tuyên án: "Bản trạng vị hình, bản tâm dĩ lộ” (Dịch: Chưa có hành động phản quốc cụ thể nhưng tâm địa phản quốc thì đã rõ). Tội đáng tử hình nhưng thể theo đức hiếu sinh của triều đình kết án: tù chung thân, đày đi Côn Đảo.

Trong số bạn đồng chí của Đặng Nguyên Cẩn thì Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng là hai người bạn tâm giao tri kỉ. Họ bị đày ra Cô Đảo trên cùng một chuyến tàu thủy (tháng 9/1908) trong tình cảnh "cổ gông xiềng xích”, rồi sau 13 năm bị đày đọa ở địa ngục trần gian đó, họ lại trở về đất liền trên cùng một chuyến tàu (tháng 1/1921). Đặng Nguyên Cẩn, sức khỏe suy sụp sau thời gian bị tù đày, đã mất sau một năm được phóng thích nhưng Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng thì may mắn còn có thể sống và tiếp tục cuộc chiến đấu.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Huỳnh Thúc Kháng - theo sự đề cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã được Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bầu làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ liên hiệp kháng chiến (1946), cùng với Đặng Thai Mai (1902-1984), người con trai duy nhất của người bạn từ năm xưa của ông là Đặng Nguyên Cẩn, được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Phong trào tân học ở Nghệ Tĩnh là do Đặng Nguyên Cẩn cùng cụ Ngô Đức Kế đề xướng. Đặng Nguyên Cẩn chuyên về mặt giáo dục, thường tự sánh với Phúc Trạch - Dụ - Cát của Nhật Bản. Cụ giao du khắp cả trong nước, thường tự xưng là phái ôn hòa, lấy việc đào tạo hậu sinh làm trách nhiệm của mình./.

Nguyễn Văn Hoàn- Tạp chí KH và CN Nghệ An

Danh sách cũ hơn