Trang chủTìm trong sử sáchĐặng Huy Trứ và bia thờ voi đá ở Sầm Sơn

Đặng Huy Trứ và bia thờ voi đá ở Sầm Sơn

Thứ Hai, 21/10/2013

Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) tự là Hoàng Trung, hiệu là Tỉnh Trai, người làng Thanh Lương huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra trong đình có truyền thống nho học, thuở nhỏ ông học rất giỏi, năm 18 tuổi thi đỗ Cử nhân, sau khi thi Hội phạm huý bị cách. Ít lâu sau lại đỗ Giải nguyên, làm quan trải thăng đến Bình Chuẩn sứ. Bình sinh ông sáng tác rất nhiều thơ văn. Mỗi lần đi công cán hoặc làm việc ở đâu, ông đều làm thơ viết văn ghi lại.

NGUYỄN TÁ NHÍ

Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

        Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) tự là Hoàng Trung, hiệu là Tỉnh Trai, người làng Thanh Lương huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra trong đình có truyền thống nho học, thuở nhỏ ông học rất giỏi, năm 18 tuổi thi đỗ Cử nhân, sau khi thi Hội phạm huý bị cách. Ít lâu sau lại đỗ Giải nguyên, làm quan trải thăng đến Bình Chuẩn sứ. Bình sinh ông sáng tác rất nhiều thơ văn. Mỗi lần đi công cán hoặc làm việc ở đâu, ông đều làm thơ viết văn ghi lại. Năm 1857, ông được cử ra Thanh Hoá lần lượt giữ các chức Thông phán ở Ty Bố chánh, Tri huyện huyện Quảng Xương, Tri phủ phủ Hà Trung. Khi ở Ty Bố Chánh, Tri huyện huyện Quảng Xương, Tri phủ phủ Hà Trung. Khi ở Quảng Xương ông có đến thăm đền Độc Cước ở đây và làm thơ viết ký ghi lại sự việc. Hiện ở khu vực đền Độc Cước vẫn còn, một bia ghi bài thơ Đường luật, một bia ghi Môn lâu và một bia ghi việc dựng voi đá.

       Năm 1989, nhóm Trà Lĩnh ở Hà Nội đã tuyển dịch giới thiệu một phần trong sách Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm, nhưng không thấy tuyển dịch văn thơ ở khu vực này. Năm 2002, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học Danh nhân văn hoá Đặng Huy Trứ, giới thiệu đầy đủ hơn về sự nghiệp của ông. Trong đó có bài Đặng Huy Trứ với Thanh Hoá của tác giả Nguyễn Văn Thành có giới thiệu về bài thơ Đường luật và bia Môn lâu. Còn về tấm bia thứ ba, tác giả viết:

       “Ngoài hai tấm bia trên do Đặng Huy Trứ viết, hiện còn lưu lại tại đền Độc Cước, còn một tấm bia Thạch tượng Lỗi Xuân ký có nhắc đến việc Văn Lâm lang Tri huyện Quảng Xương Giải nguyên khoa Đinh Mùi là Đặng Huy Trứ đã đóng góp vào công việc ở đây vào ngày 26 tháng 3 nhuận năm Canh Thân (1860) đời vua Tự Đức”.

       Tìm đọc bia đền Độc Cước trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, không thấy có tấm bia nào tên là Thạch tượng Lỗi Xuân ký cả, chỉ thấy ở bia có ký hiệu 21416 có ghi dòng chữ Thạch tượng Lỗi Xuân ký Đông Sơn Nhuệ thôn cung lặc, phải hiểu là Thợ đá Lỗi Xuân ở thôn Nhuệ huyện Đông Sơn. Đây chỉ là một dòng lạc khoản ghi tên người khắc bia, đặt ngay sau dòng lạc khoản ghi tên người viết chữ là Tú tài Lê Văn Trái. Trong Thư mục văn bia ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thấy bia số 21416 có đăng ký tên bia là Bia đền Độc Cước. Rõ ràng là việc xác định tên bia có vấn đề đó chưa ổn, chúng tôi vội tìm về thực địa, lần đọc lại bia, thấy tên bia ghi đầy đủ là Thượng đẳng thần môn thạch tượng ký, nghĩa là Bài ký ghi việc dựng voi đá ở cửa đền Thượng đẳng thần, tác giả là Giải nguyên Tri huyện Đặng Huy Trứ. Có điều là cách trình bày bia lại không theo thói thường. Thông thường chữ trong văn bia viết theo quy tắc chữ viết dọc từ trên xuống dưới, dòng trình bày từ phải sang trái, nhưng ở bia này chỉ tuân thủ chữ viết dọc từ trên xuống dưới, còn dòng thì trình bày ngược lại từ trái sang phải. Do vậy tên bia xuất hiện ở bên trái, còn lạc khoản lại để bên phải, khác hẳn quy tắc thông thường. Đây chính là lý do để Thư mục văn bia chỉ thấy ghi làBia đền Độc Cước và trong bài viết Đặng Huy Trứ với Thanh Hoá ghi lại tên bia là Thạch tượng Lỗi Xuân ký và không công nhận Đặng Huy Trứ là tác giả của bài văn bia này. Đây là một nét độc đáo của danh nhân Đặng Huy Trứ, do vậy chúng tôi xin được phiên âm, giới thiệu toàn văn trong Hội nghị Thông báo Hán Nôm học lần này.

       Toàn văn là:

Thượng đẳng thần từ môn thạch tượng ký

       Tượng đại thú dã nhi kỳ mỹ giả ngã Nam Việt. Thạch thổ tinh dã nhĩ kỳ kiêu thả tuý giả cổ Ái Châu chi An Hoạch Sơn. Thủ kỳ kiên thả tuý giả chi vật nhi chí mỹ giả chi hình dĩ vi thần minh chi ngự thần kỳ y hĩ. Cái nhân chi năng hưởng thần giả dĩ kỳ thành dã, nhi thần chi năng vị nhân hưởng giả diệc dĩ kỳ thành dã. Chí thành khả dĩ thuần bất thuần chi tượng nhi sử chi thuần, động nan động chi thạch nhi sử chi động. Nhiên tắc thạch tượng chi khả vi thần ngự giả kỳ thuỷ dã. Nhân chi thành năng tiếu nhi tượng chi kỳ ký dã. Thần chi thành hựu năng cổ vũ di tận thần dã. Huyện hạt chư tôn thần dĩ linh tích trước tự điển giả Độc Cước Sơn Tiêu Thượng đẳng thần kỳ nhất yên.

       Cung thượng, Lương Niệm tứ thôn địa duyên hải dân thiện thuỷ, tố nghiệp ngư. Nhân vu phế tích chi Sầm Sơn kiến từ dĩ tự chi. Hữu cầu tất đắc, hữu đảo tất ứng, thần kỳ năng vị nhân hưởng giả sổ bách hữu dư niên hĩ. Chư hương binh lệ hữu thuỷ tịch lang nhung, hậu hoặc xuất dương tuần sáo, hoặc tải vật phó kinh. Phàm sắc sở chí, phong thuỷ hiệu linh, nhược hữu minh trợ gian thần chi âm phù nhi mặc tướng dã. Chư hương binh tương dữ nghị thù, nãi mưu chư danh tượng, thái An Hoạch sơn thạch, khắc Việt tượng nhị, cao nhị xích, trường tam xích, khoát nhị xích, phục vu từ môn chi tả hữu dĩ vi thần ngự vật đáp thần hưu dã. Tượng thành, trưng văn ư chuyết doãn.

       Phù! Hành hiểm mạc binh nhược dã, hựu hành hiểm mạc thuỷ binh nhược dã. Chư hương binh lý trùng hiểm giả dã, phong đào chi sở bất năng kinh, kình ngạc chi sở bất năng tứ, tắc thành chi năng hưởng thần, tắc thành chi năng hưởng thần nhi thần phất năng thổ kỳ hưởng dã. Nhiên tắc thạch tượng chi tiến thần tất năng thuần nhi động chi hĩ. Thuần nhi động chi tượng phi giả tượng dã, thạch phi ngoan thạch dã. Tượng bất giả nhi thạch bất ngoan tắc ngã Nam Việt chi mỹ dữ An Hoạch sơn chi kiên thả tuý giả, diệc chi tá Sầm Sơn chi linh tích dĩ chương dã, nhi chư hương binh chi năng lý hiểm như di. Chuyết doãn diệc dĩ thị bốc chi.

       Tự Đức Canh Thân niên nhuận tam nguyệt nhị thập lục nhật, sắc thụ Vân Lâm lang Quảng Xương huyện Tri huyện Đinh Mùi khoa Giải nguyên Hoàng Trung Đặng Huy Trứ cẩn ký.

Lương Niệm xã tứ thôn ứng vụ thí sai quân đội Vũ Đình Thành, cấp bằng đội trưởng Nguyễn Bá Khoa, Ngũ trưởng Nguyễn Sĩ Toán, Trịnh Tứ Mạn, Nguyễn Khắc Trạch, Nguyễn Văn Tư, Văn Đình Tài.

       Binh: Nguyễn Phi Toán, Lê Đăng Xứ, Phạm Trọng Thạc, Nguyễn Hữu Cai, Lương Viết Cập, Trương Duy Điềm, Trần Văn Ngôn, Cao Văn Hoãn, Lê Văn Mạo, Lương Tử Thôn, Nguyễn Đình Hoạch, Phạm Văn Thú, Hà Viết Khoán, Nguyễn Hữu Tuần đồng cung tiến.

       Hải thôn thông lại Nguyễn Viết Liêm cung tiến thạch hưởng lô nhất kiện.

       Nhị khoa Tú tài Dụng Hoà Lê Văn Trái bản tổng hoà chúng cẩn thư.

       Thạch tượng Lỗi Xuân ký, Đông Sơn Nhuệ thôn cung lặc.


Dịch nghĩa:

BIA GHI VIỆC XÂY DỰNG VOI ĐÁ Ở ĐỀN THỜ THƯỢNG ĐẲNG THẦN

       Voi là loài thú lớn mà giống voi tốt thì có ở nước Nam Việt ta. Đá là tinh của đất mà loại đá tinh và tốt thì lại có vùng núi An Hoạch đất Ái Châu. Chọn lấy thứ tinh và tốt tạo ra hình vật tốt lành để thân minh ngự dụng, để thần linh cậy nhờ, có lẽ là con người ta đã chân thành thờ phụng thần linh mà thần linh cũng chân thành đón nhận sự thờ phụng của con người vậy. Chân thành rất mực có thể thuần phục được giống voi bất thuần mà khiến nó chịu thuần phục; có thể chuyển động được loài đá bất động mà khiến nó chịu chuyển động. Vậy nên voi đá có thể thần minh ngự dụng, chính là bắt đầu từ đó. Sự chân thành của con người hình dung thấy mà tạo ra như thế, còn sự chân thành của thần linh cũng đáng được cổ vũ để làm được hết mức thần kỳ. Linh thần trong huyện này do có linh tích mà được ghi vào tự điển, thì Độc Cước sơn tiêu Thượng đẳng thần là một trong số đó. Bốn thôn trong xã Lương Niệm ở men theo bờ biển, dân cư thạo nghề sông nước, đánh cá kiếm ăn, nhân nơi phế tích ở núi Sầm mà dựng đền thờ thần. Hễ cầu là ứng, hễ đảo là thông, vậy nên tôn thần được dân làng thờ cũng đã có tự lâu đời rồi. Đám hương binh trong làng từ ngày cầm binh khí tham gia thuỷ binh, hoặc ra biển tuần tiễn, hoặc chở hàng vào kinh. Thuyền buồm lướt sóng đi tới, gió thổi sóng xô, thuyền được yên ổn, tất cả đều cậy nhờ thần linh âm phù mặc trợ vậy. Họ liền bàn bạc với nhau tìm cách báo đáp, thế là nhờ hiệp thợ khéo lấy đá núi An Hoạch gọi đẽo thành đôi voi đá Nam Việt, cao 2 thước, dài 3 thước, rộng 2 thước, đặt ở hai bên tả hữu trước đều cửa đền dùng làm vật ngự dụng cho thần linh để đền đáp ơn thần. Voi đá làm xong, đám hương binh bèn xin kẻ huyện doãn vụng dại này viết cho bài văn.

       Than ôi! Dấn thân vào nơi hiểm nguy thì không gì hiểm nguy bằng mặc áo lính, mà mặc áo lính dấn thân vào nơi nguy hiểm nguy thì không gì hiểm nguy bằng anh lính thuỷ. Đám hương binh vượt qua muôn trùng nguy hiểm. Sóng to gió lớn chẳng làm chùn chân họ. Thế thì sự chân thành dâng lên thờ cúng thần linh mà thần linh chắc hẳn không thể khước từ việc thờ cúng chân thành ấy. Vậy nên voi đá tiến dâng tôn thần ắt hẳn có thể thuần phục được mà cũng có thể chuyển động được.

       Voi đá thuần phục mà chuyển động được thì quyết chẳng phải voi giả, thì đá quyết chẳng phải đá ì. Voi không phải là voi giả, đá chẳng phải đá ì, thế thì giống vật tốt của nước Nam Việt ta và loại vật tốt mà tinh tuý ở núi An Hoạch kia, có thể mượn linh tích Sầm Sơn để nổi danh, để giúp cho đám hương binh bước vào nơi nguy hiểm mà đi trên đất bằng vậy. Kẻ huyện doãn ngu dại này cũng đoán chắc như thế.

       Ngày 26 tháng 3 năm Canh Thân (1860) đời Tự Đức.

Sắc thụ Văn Lâm lang, Giải nguyên khoa Đinh Mùi, Tri huyện huyện Quảng Xương, Hoàng Trung Đặng Huy Trứ kính cẩn ghi lại.

Hương binh ở bốn thôn trong xã Lương Niệm cung tiến xây dựng gồm:

Thí sai Suất đội Vũ Đình Thành

Cấp bằng Đội trưởng Vũ Bá Khoa

Ngũ trưởng Nguyễn Sĩ Toán, Trịnh Tứ Mạn, Nguyễn Khắc Trạch, Nguyễn Văn Tư, Văn Đình Tài.

Binh lính: Nguyễn Phi Toán, Lê Đăng Xứ, Phạm Trọng Thạc, Nguyễn Hữu Cai, Lương Viết Cập, Trương Văn Cập, Trương Duy Điềm, Trần Văn Ngôn, Cao Văn Hoãn, Lê Văn Mạo, Lương Tử Thôn, Nguyễn Đình Hoạch, Phạm Văn Thú, Hà Viết Khoán, Nguyễn Hữu Tuần.

Thông lại ở thôn Hải Nguyễn Viết Liêm cung tiến một cây hương đá.

Dụng Hoà Lê Văn Trái hai khoa Tú tài người bản tổng kính cẩn viết chữ.

Thợ đá Lỗi Xuân ký ở thôn Nhuệ huyện Đông Sơn kính khắc.

Tài liệu tham khảo:

1. Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu, Nxb Khoa học xã hội, 1993.

2. Lược truyện các tác giả Hán Nôm, Nxb Khoa học xã hội, 1972.

3. Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1989.

4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hoá Đặng Huy Trứ, Huế, 2000.

5. Từ thụ yếu quy, Nxb Pháp lý, 1992.

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.401-407

Danh sách mới hơn