Trang chủTìm trong sử sáchBà Hoàng làng Ngụ Đặng Thị Loan

Bà Hoàng làng Ngụ Đặng Thị Loan

Thứ Hai, 18/11/2013

Theo truyền thuyết, bà Đặng Thị Loan là con gái của dòng họ Đặng ở làng Duyên Dương nay là làng Cầu Đào, xã Nhân Thắng (Gia Bình). Dòng họ Đặng là một trong hai dòng họ định cư sớm nhất ở địa phương và có vai vế trong triều. Nhờ có người làm quan lớn trong triều tiến cử, bà trở thành cung phi thứ 5 của vua Trần Nhân Tông.

Là người phụ nữ xinh đẹp, nhân hậu, đức độ và có nhiều công lao xây dựng quê hương nhưng cuộc đời của bà Đặng Thị Loan lại gặp nhiều trắc trở. Được nhà vua sủng ái nhưng bà phải chịu nỗi đau không có con cái. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, bà càng thương cảm, giúp đỡ những người nghèo khổ, nhất là những cô nhi quả phụ, những người phải chịu cảnh như bà. Khi đã là cung phi, bà vẫn hướng về xây dựng quê hương, dạy người dân cách trồng dâu nuôi tằm, canh tân nông nghiệp. Bà cho đắp 9 gò, mỗi gò tương đương một sào Bắc Bộ, cao từ 1-2m so với mặt bằng, để phòng khi lũ lụt, người dân có nơi tạm trú. 9 gò mang những tên: Đường Đống vèn; đường Đống giữa; đường Đống ngoài, đường Cây gạo, đường Mả nhãn… Mỗi gò tương xứng với một ao, chuôm, để tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bà đặt tên cho các địa danh: 13 đường đống mang tên các con vật (hạc, voi, rùa…); 11 con đường mang tên cây, quả thực vật (cây lựu, cây si, mả nhãn, mả dứa, cây táo…) và 12 địa danh mang tên bến (bến Bún, bến Đòng…). Bà lập bến đò, mua đất bên Lương Tài làm bến lên xuống cho người dân đi lại thuận tiện, đồng thời cho xây dựng chợ Ngụ làm trung tâm thương mại, giao lưu buôn bán giữa các địa phương.

Theo bia phả, bà mất ngày 17-3 (Âm lịch) khi tròn 60 tuổi ở Yên Tử, được cử hành tang lễ trang trọng 3 ngày, 3 đêm. Trước khi mất, bà thỉnh cầu với nhà vua cho an táng tại quê nhà. Đồng thời, xin 1 mẫu 9 sào để cứu trợ những người cô đơn, giúp đỡ trẻ mồ côi, không nơi nương tựa… (khi cải cách ruộng đất, quỹ đất đó được chia cho các gia đình liệt sỹ); bà xin một khoản kinh phí để xây dựng, tu bổ đình, chùa Ngụ (Đình Ngụ được xây dựng rất hiện đại: Gầm đình cao rộng, ban ngày thành nơi họp chợ, đêm đến là nơi trú ngụ của những người vô gia cư…).

Bà có công lớn trong việc xây bến đò, dựng chợ, canh tân nông nghiệp xây dựng quê hương, lập ấp giúp bà con làng xóm làm ăn. Người dân Cầu Đào ghi ơn, lập đền thờ, tôn vinh là Bà Hoàng làng Ngụ (gọi là Vua Bà) từ đó. Đến nay, ngôi đền thờ bà với diện tích hơn 200m2, nằm trong cụm công trình văn hóa bao gồm phía trước là Đình (hướng Đông), phía sau là chùa (hướng Bắc), đền thờ bà Đặng Thị Loan Cung phi ở giữa (thờ hướng Nam) được người dân trông coi, giữ gìn cẩn thận. Năm 1995, đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hàng năm, lễ hội đền Vua Bà là một trong những hoạt động tính ngưỡng tâm linh lớn và quan trọng nhất của người dân địa phương. Từ ngày 14 đến ngày 17-3 (Âm lịch), người dân quanh vùng lại tổ chức tế lễ với những nghi thức đặc sắc để tưởng nhớ công ơn của bà và báo cáo những kết quả đạt được của địa phương trong năm đó. Đặc biệt, trong phần Hội, có nhiều trò chơi truyền thống… Lễ hội là một dịp để mọi người cùng nhắc lại, tưởng nhớ đến một người con gái của quê hương đã làm nên nhiều kỳ tích.

Hải Đường

Danh sách mới hơn