Trang chủTìm trong sử sáchDòng họ thư hương đất kinh thành Huế

Dòng họ thư hương đất kinh thành Huế

Thứ Năm, 28/11/2013

“Nho thư thử ngoại suy Nam quốc
Thi lễ tòng lai thuyết Đặng gia”
(Học nho hẳn phải tôn Nam quốc
Thi lễ từ xưa kế Đặng gia)

Nhiều người ở kinh thành Huế còn truyền câu: “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà” để nói nếp thi thư lễ nghĩa của dòng họ Thân, họ Đặng, họ Hà và một câu truyền ngôn nữa cũng được nhiều người nhắc tới là: “Nhất đại tầm thường, nhị đại ly hương, tứ đại quán văn chương, ngũ đại bị đao thương” để nói về dòng họ Đặng từ đất, Bắc vào khai phá Châu Ô (Thuận Hóa).

Họ Đặng Thanh Lương từ trôi nổi với đời đã vược mọi trần ai, lao khổ vươn lên thành dòng họ thư hương nổi tiếng đất kinh thành Huế. Các vị tổ trước của họ Đặng từ làng Hà Trung, Phú Vang dời lên đất kinh thành, rồi lại từ Hiền Sỹ (Phong Điền) lên Dương Xuân (Hương Thủy) đến cụ Đặng Quang Tuấn (1752-1825) là đời thứ 4 cũng phải tỵ nạn ở đất Thanh Lương (Hương Trà) rồi làm nghề dạy học, học trò thành đạt nhiều, có người làm tới Thượng thư nổi tiếng thanh liêm như trò Trần Văn Trung, hay con cụ là Đặng Văn Hòa (1791-1856) là người đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên đỗ hương cống (cử nhân) khoa thi đầu tiên thời Nguyễn vào năm Quý Dậu (1813) từ tri huyện Hà Đông (Quảng Nam), Đặng Văn Hòa được thăng bổ nhiều lần, trải qua Thượng thư bốn Bộ (Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Công) hàm Thiếu bảo Văn minh điện Đại học sĩ. Con thứ Đặng Quang Tuấn là Đặng Văn Chức (1795-1847) làm Ngự y ở Thái y viện, con thứ ba là Đặng Văn Trọng (1799-1849) thi liền năm khoa chỉ đỗ tú tài, trong đó có hai khoa thi được dự tuyển cư nhân nhưng vì bài thi có nét mực ố và phạm vào miếu hiệu nên phải đánh tụt xuống tú tài. Ông trị gia thì nghiêm, xử thế phải lẽ, giáo dục con theo điều nghĩa, dạy bảo học trò chuyên cần, cúng lể thì thành kính, giao tiếp với bạn bè thì chân tình, thương người nghèo khó, xót kẻ quá cố, khuyên người làm điều thiện, ngăn kẻ làm điều ác.

Các cháu nội của ông, con trai Đặng Văn Hòa là Đặng Huy Cát (1832-1899) lấy công chúa Tinh Hòa (con vua Minh Mệnh), được phong Phò mã Đô úy. Con gái là Đặng Thị Dư lấy Hà Thúc Hồ đỗ giải nguyên (đỗ đầu khoa cử nhân) làm đốc học Nam Định.

Con trai ngự y Đặng Văn Chức là Đặng Huy Tá (1816-1872) đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841) làm tới Hồng lô tự khanh, Biện lý sự vụ bộ hình rồi Án sát Nam Định, Đặng Văn Trinh làm việc ở Quốc sử quán ấn thư cục. Con rể là Thân Trọng Tiết đỗ hội nguyên tiến sỹ khoa Tân Hợi (1851) và Hà Đặng Dung tri huyện An Dương.

Con trai tú tài Đặng Văn Trọng là Đặng Huy Trứ (1825-1874) đỗ cử nhân lúc mới 18 tuổi khoa Quý Mão (1843), năm 23 tuổi, thi đình đã trúng tiến sỹ, nhưng vì phạm húy nên bị cách và tước luôn học vị cử nhân lại bị phạt đòn trăm roi. Ngay cuối năm ấy có ân khoa, ông lại đi thi và đỗ cử nhân đầu bảng (giải nguyên), làm quan trải qua các chức Thông phán ty bố chính Thanh Hóa, Ngự sử lĩnh trưởng ấn khoa binh biện lý sự vụ bộ Hộ, Trung thuận đại phu Hồng lộ tự khanh rồi ban biện quân vụ: Lạng, Bằng, Ninh, Thái. Ông qua đời ngày 7/8/1874 và dặn “con cháu không ai được ra làm quan” vì lúc nầy giặc Pháp đã chiếm Bắc Kỳ và triều đình đã ra lệnh ngưng binh dẫn đến thừa nhận quyền bảo hộ của Phá ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ vào năm 1883. Đặng Huy Trứ ở vào thế hệ “Tứ đại quán văn chương” của dòng họ Đặng Thanh Lương (Huế), Ông để lại 12 tập thơ với hơn 1200 bài, 4 tập văn gồm nhiều thể luật và 1 tập hồi ký với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Đặng Hoàng Trung Thi”, “Từ thụ yếu quy”, “Đặng dịch trai ngôn hành lục”, “Phương lược cứu nước”..v..v.. được các danh sỹ đương thời đánh giá rất cao. Nguyễn Văn Siêu gọi ông là “bạn băng tuyết”, Tùng Thiên Vương gọi ông là “Hương thơm đáng nhớ vô hạn”, Phan Bội Châu sau nầy coi ông là  “trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. “Đại Nam nhất thống chí” xếp ông vào hàng Danh nhân và ghi: “Đặng Huy Trứ  khẳng khái, có trí lớn, đương trù tính nhiều việc, làm chưa xong thì mất ai cũng tiếc”. Tô Lăng (Trung Quốc) đọc “Đặng Hoàng Trung Thi” đã hạ bút: “Giải tỏ lòng trung mẫn có thể so Đỗ Phủ, miêu tả bách tính có thể sánh với Bạch Cư Dị”, nhưng khi đọc “Đặng Dịch trai ngôn hàng lục” thì phải viết thêm:

“Nho thư thử ngoại suy Nam quốc

Thi lễ tòng lai thuyết Đặng gia”

(Học nho hẳn phải tôn Nam quốc

Thi lễ từ xưa kế Đặng gia)

Trương Tương Phố, một văn nhân của Trung Quốc cũng viết:

“Tằng độc dịch trai ngôn hành lục

Tảo tri hương lễ hữu do lai”

(Đọc xong dịch trai ngôn hành lục

Mới hay nước ngọt có từ đâu)

Dòng họ Đặng Thanh Lương (Huế) còn có Đặng Huy Tá (anh họ Đặng Huy Trứ) đỗ cử nhân năm 1841, Đặng Huy Xán (em ruột Đặng Huy Trứ) đỗ phó bảng, Đặng Huy Phổ (con Đặng Huy Cát và công chúa Tinh Hòa) đỗ cử nhân nam 1878, em rể Đặng Huy Trứ là Nguyễn Đình Tuân đỗ tiến sỹ… Một dòng họ mà có người làm tới Thượng thư kế liền bốn Bộ (Đặng Văn Hòa) có Ngự y của Viện thái y (Đặng Văn Chức), lại có phò mã đô úy (Đặng Huy Cát), có người văn chương được so với Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (Đặng Huy Trứ) và như Đặng Văn Trọng chỉ làm nghề dạy học. Quả thật là một dòng họ vẻ vang, ân ích cho đời.

Năm 1885, khi vua Hàm Nghi giao cho Tôn Thất Thuyết lập “Phấn nghĩa quân” thì phò mã Đặng Huy Cát được cùng hầu chuyện đi mộ nghĩa binh lập đội quân Đoàn Kiệt. Đặng Hữu Phổ (con trai Đặng Huy Cát) được cử làm hiệu úy cùng chuẩn bị khu sơn phòng Hà Tĩnh. Ngày 5/7/1858 khi Tôn Thất Thuyết chỉ huy Phấn nghĩa quân đánh đồn Mang Cá và tòa sứ quán Pháp thì Đặng Huy Cát cùng con là Đặng Hữu Phổ chỉ huy quân Đoàn Kiệt đánh huyện nha Quảng Điền và bị bắt. Đặng Huy Cát bị kết án xử trảm hậu, Đặng Hữu Phổ bị xử tử hình. Sau khi được tha (1892) Đặng Huy Cát vẫn vừa sản xuất vừa luyện quân tiếp tục ý chí Cần Vương.

Đặng Hữu Hoài em Đặng Hữu Phổ tham gia phong trào Đông Du bị bắt đi đày (1906), Đặng Hữu Huyến (con trai Đặng Huy Trứ) tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục (1907), Đặng Khánh Giai (cháu nội Đặng Huy Tá) tham gia phong trào Việt Nam quang phục hội bị bắt đày ra Côn Đảo 9 năm.

Họ Đặng Thanh Lương còn truyền hai câu thơ định thế hệ dòng họ:

Quang, Văn, Huy, Hữu, Khánh

Hưng, Mậu, Như, Thanh, Xuân.

Thế hệ Quang (Đặng Quang Tuấn) Văn (Đặng Văn Hòa), Huy (Đặng Huy Trứ), Hữu (Đặng Hữu Phổ), Khánh (Đặng Khánh Giai) thực đã làm đẹp cho gia đình dòng họ. Thế hệ Hưng, Mậu, Như, Thanh, Xuân (tốt tươi như mùa xuân) đang tiếp bước dựng xây để non nước này, dòng họ này mãi mãi trường xuân.

Sưu tầm

Danh sách mới hơn