Quốc công Đặng Tất và phần mộ, miếu thờ ông tại làng Thế Vinh, Phú Vang, Thừa Thiên –Huế
Thứ Tư, 25/12/2013
Như vậy, gần 150 năm sau cái chết oan uổng của Đặng Tất, việc phụng thờ Đặng Quốc Công đã nức tiếng gần xa, đến nỗi người nho sinh đồng hương của Dương Văn An khi ghi chép về phủ Triệu Phong đã nhắc đến và đến lượt Dương Văn An đã ghi nhận lại.
Trần Đại Vinh
Đặng Tất vốn là một trong tùy tướng trấn đóng ở Hoá Châu dưới thời cuối Trần. Khoảng tháng 6 năm 1391, ông được cử làm Hữu châu phán Hóa Châu. Khi nhà Hồ thành lập châu Thăng Hoa, ông được cử làm Đại tri châu dưới quyền của Hoàng Hối Khanh. Khi quân Minh đánh đuổi vua tôi nhà Hồ, ông đã trở về Hóa Châu. Nhà Hồ mất, quân Chiêm lại chiếm cứ Thăng Hoa rồi đánh cướp Hóa Châu. Trước tình hình ấy, Đặng Tất đã xin với Trương Phụ cho làm cai quản Hóa Châu. Đó là một hành vi quyền biến. Vì mùa hè năm 1408, sau khi Giản Định đã lên ngôi ở Yên Mộ (Nam Bình), bị quân Minh đánh vào hành dinh nghĩa quân tan vở, Vua phải vào Nghệ An đóng quân, Đặng Tất đã giết viên quan nhà Minh, kéo quân châu Hóa ra Nghệ An hội quân, trở thành một viên tướng phò tá tích cực. Vua đã phong cho ông làm Quốc công, cùng lo việc khôi phục cơ đồ.
Tháng 11 năm 1408, Quốc công Đặng Tất điều quân ở các lộ Thuận Hoá, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến ra Bắc. Tháng 1 năm 1409 đại quân ta cản phá quân Minh ở bến đò Bô Cô, Sơn Nam Hạ. Đó là một chiến thắng lẫy lừng. Quân ta đã bắt được binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị và đánh tan đội quân xâm lược hơn 10 vạn tên, chỉ một mình Tổng binh Mộc Thạch chạy thoát về thành Cổ Lộng.
Tuy nhiên công trạng ấy lại là nguyên nhân dẫn đến sự hiềm nghi của Giản Định đế. Tháng 3 năm 1409, khi đại quân ở bến Hoàng Giang, vua đã nghe lời dèm pha của hoạn quan Nguyễn Quý và hiệu sinh Nguyễn Mộng Trang nên đã mai phục lực sĩ giết chết Quốc công Đặng Tất và Tham mưu Nguyễn Cảnh Chân.
Sự giết hại công thần oan uổng như vậy đã làm phân hóa lực lượng nghĩa quân.
Sử đã không ghi chép gì về việc an táng Đặng Tất. Nhưng ngôi mộ đơn sơ và ngôi miếu thờ ông tọa lạc tại mặt tiền làng Thế Vinh xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay đã tồn tại qua hơn 600 năm, chứng tỏ rằng thi hài ông đã được con trai trưởng là Đặng Dung đưa về Thuận Hóa, an táng nơi đây.
Đó là một vấn đề chúng ta phải giải đáp.

Đền thờ và mộ phần của Quốc công Đặng Tất
Cần ghi nhận rằng tài liệu đầu tiên (và có thể là duy nhất) ghi chép về ngôi miếu thờ Đặng Quốc Công tại làng Thế Vinh là Ô Châu Cận Lục do Dương Văn An nhuận sắc, hoàn tất năm 1555. Trong đoạn lời bình về phong tục phủ Triệu Phong, ông đã nhắc đến.
“Khoảng đất hiến phủ sạch trong, thế lại nhờ ơn, miếu thờ Đặng Công trung nghĩa, Thế Vinh nêu tiết” (Ô Châu Cận Lục, tân dịch hiệu chú, NXB Thuận Hoá, 2001, trang 82). Trong mục nhân vật, trong phần viết về tướng võ, tướng văn, ông cũng đã nhắc đến hành trạng của Đặng Tất, với sáu dòng khái lược. Đồng thời, trong lời bình ông cũng đánh giá cao đóng góp của Đặng Tất và Đặng Dung, xem cả hai là nhân vật tiêu biểu của Châu Ô.
Như vậy, gần 150 năm sau cái chết oan uổng của Đặng Tất, việc phụng thờ Đặng Quốc Công đã nức tiếng gần xa, đến nỗi người nho sinh đồng hương của Dương Văn An khi ghi chép về phủ Triệu Phong đã nhắc đến và đến lượt Dương Văn An đã ghi nhận lại.
Cho đến cuối triều Nguyễn, việc thờ phụng Đặng Quốc Công tại làng Thế Vinh đã được các sắc thần do vương triều phong tặng cho làng nay tiếp tục khẳng định.
Trở lại câu hỏi trên đây, chúng tôi xin đề xuất một kiến giải:
Thế Vinh trước hết là một làng cổ được thành lập sớm ở châu Hoá dưới thời Trần. Cho đến cuối thời Trần (khoảng 1380) Thế Vinh đã trở thành một huyện lỵ kế cận thành Châu Hóa, cùng thông thuộc vào Châu Hóa như các huyện Lợi Bồng, Sạ Lệch, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng. Tên làng Thế Vinh lâu nay vẫn giữ nguyên, nhưng tên huyện thì lần lược thay đổi là Sĩ Vinh, Tư Vinh rồi Phú Vang.
Về duyên cách, Thế Vinh toạ lạc tại ven bờ nam hạ lưu sông Hương, cách bến đò Sình khoảng 3km và cách thành Hoá Châu khoảng 7km.
So với các vùng đất khác ở hạ lưu sông Hương và sông Bồ, địa thế làng Thế Vinh khá cao ráo, lại không bị dòng sông xâm thực. Địa thế đó và khoảng cách tương đối với thành Hoá Châu, lại là nơi đóng huyện lỵ, nơi tiện lưu thông đường thuỷ, đã đưa đến việc Đặng Dung lựa chọn làm nơi an táng thi hài của phụ thân, người đã từng khởi nghiệp ở Hoá Châu và cũng là chủ soái của phong trào kháng Minh của quân dân Hoá Châu.
Đặng Dung đã không chọn thành Hoá Châu, vì nơi đây là thành trì, lại trong thời buổi chiến loạn, giao tranh giữa ta và địch, đất thành trì sẽ là chiến trường, mộ phần sẽ khó bảo toàn.
Đặng Dung cũng không chọn nghĩa địa làng Thế Vinh, hẳn là muốn xác lập vị trí riêng biệt của mộ phần cha. Ông đã chọn một miếng đất thổ ở mặt tiền làng Thế Vinh nhưng không phải là đất biền bãi sát cận sông Hương, vì tránh thấp lụt, lại vẫn là cận sông Hương để tiện qua lại viếng thăm.
Hoàn cảnh chiển tranh và nhận thức riêng của Đặng Dung đã đưa đến việc ông không chọn lựa theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, truy tìm long mạch “nhất sơn nhất huyệt” tại vùng đồi núi Tây Nam Huế như tập tục phổ biến nơi đây của các nhà quyền quý.
Tất cả những cơ duyên đó đã đem lại vinh dự cho làng Thế Vinh được xây đắp và bảo tồn mộ phần của danh tướng Đặng Tất và có vinh dự tạo lập miếu thờ đồng thời thờ phụng vị danh tướng, liệt sĩ cứu nước thuộc thế hệ đầu tiên của nhân dân Thừa Thiên - Huế.
Đó là vinh dự của tất cả chúng ta, những người có trách nhiệm kế tục và phát huy sự nghiệp vẻ vang của tiền nhân. Vinh dự đó đòi hỏi chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân Thừa Thiên - Huế cần có kế hoạch tôn tạo và bảo tồn di tích danh nhân Đặng Tất, xứng đáng với công lao tiền phong của Đặng Quốc Công mà hơn 600 năm qua chúng ta đã có phần lãng quên.