Trang chủTìm trong sử sáchThai Sơn và “Thai Sơn tàng thư”

Thai Sơn và “Thai Sơn tàng thư”

Thứ Sáu, 24/10/2014

Thiên Nhẫn là một thắng cảnh và là một di tích lịch sử, còn lưu lại dấu vết thành Lục Niên từ thời Lê Lợi dựng cờ đánh đuổi giặc Minh. Trong dãy núi Thiên Nhẫn, phía Nam làng Lương Điền, có ba đỉnh núi nhô cao được gọi là Tam Thai hay Thai Sơn. Theo các nhà phong thổ thì "tam thai" biểu tượng cho sự sinh nở trường tồn của cộng đồng họ mạc và làng xóm.

Từ thị trấn Nam Đàn ngược dòng Lam Giang chừng mười cây số, dãy núi Thiên Nhẫn sừng sững hiện lên phía hữu ngạn. Dưới chân núi là làng Lương Điền thuộc huyện Thanh Chương, quê hương của học giả Đặng Thai Mai.

Thiên Nhẫn là một thắng cảnh và là một di tích lịch sử, còn lưu lại dấu vết thành Lục Niên từ thời Lê Lợi dựng cờ đánh đuổi giặc Minh. Trong dãy núi Thiên Nhẫn, phía Nam làng Lương Điền, có ba đỉnh núi nhô cao được gọi là Tam Thai hay Thai Sơn.

Theo các nhà phong thổ thì "tam thai" biểu tượng cho sự sinh nở trường tồn của cộng đồng họ mạc và làng xóm. Cho nên trước đây, nhiều làng ở Nghệ Tĩnh, người ta đắp cao ba cồn đất ở, trước và sau làng: tiền tam thai, hậu tam thai. Tam Thai ở Lương Điền không phải do con người đắp lên, mà do thiên nhiên ban tặng, càng quý biết bao.

Thai Sơn biểu tượng cho linh khí làng Lương Điền. Có lẽ do thế mà ông nội của Đặng Thai Mai lấy chữ lót là "Thai" để đặt tên: Đặng Thai Giai. Cụ thân sinh của ông là Đặng Nguyên Cẩn cũng đặt tên húy là Đặng Thai Nhẫn, hiệu Thai Sơn. Người con trai của ông cũng được gọi là Đặng Thai Hoàng... Hình bóng của ngọn núi quê hương lặn sâu vào huyết thống của các thế hệ dòng họ Đặng như một niềm tín ngưỡng vào sự trường tồn của dòng họ mình.

Cũng như nhiều nhà nho xứ Nghệ, cụ Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn lập nên một tủ sách gia đình. Tủ sách này được đặt tên là "Thai Sơn tàng thư" có chừng năm ngàn cuốn sách. Tùy thời để xử thế, khá đông nhà nho xứ Nghệ đi học để lập thân, lập thân bằng con đường quan lại, nhưng lại tiến thân theo ngạch học quan, làm giáo thụ, huấn đạo, đốc học, cao hơn nữa là thượng thư Bộ Học hoặc tế tửu ở triều đình.

Trong thời gian giữ cương vị đó, các cụ sưu tầm sách vở, tích lũy kiến thức để truyền chữ và truyền đạo cho con cháu. Tủ sách của gia đình họ Đặng đã được cụ Đặng Thai Giai tích góp xây dựng. Đến đời cụ Đặng Nguyên Cẩn, tủ sách đó càng phong phú hơn.

Trong thời gian làm đốc học, đi đến đâu cụ cũng tìm sách, mua sách, hoặc là mua được bản gốc hoặc là cụ chép lại. "Thai Sơn tàng thư" lúc này có nhiều sách Đông Tây kim cổ: Tứ thư, Ngũ kinh, Triết học, Sử ký, Địa lý, Cách trí... Sách cổ học, sách tân học. (Rất tiếc, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp tàn sát làng Lương Điền và đã đốt cháy thư viện này).

Cậu bé Đặng Thai Mai được tắm mình trong không khí học thuật của gia đình. Lúc lên năm, cụ thân sinh đã bắt cậu ngồi nghe những buổi bình văn. Mặc dầu chẳng hiểu mô tê gì cả, nhưng vâng lời cha, cậu vẫn ngồi im. Có người sợ cậu bị chịu đựng căng thẳng quá, nói với cụ cho cậu đi chơi. Nhưng cụ đáp lại: "Nó không hiểu gì, vẫn phải tập cho nó rèn luyện, thì lớn lên nó mới học hành nghiêm chỉnh".

Cá không ăn muối cá ươn. Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư. Cậu Mai thuộc lòng câu ca đó như một lời tâm niệm trong suốt tuổi thơ cho đến tuổi trưởng thành. Đến lúc cụ Đặng Nguyên Cẩn bị thực dân Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo, "Thai Sơn tàng thư" trở thành tài sản vô cùng quý báu đối với Đặng Thai Mai.

Việc học hành của ông đã trở thành quán tính. Ông say mê lặn ngụp vào thư viện gồm hàng nghìn cuốn sách được tích lũy từ đời ông, đời cha. Ngoài những cuốn sách của Khổng, Mạnh, còn các sách tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Phan Bội Châu, sách của Đông Kinh nghĩa thục, của các nhà nho tiến bộ...

Từ núi Thai Sơn, cậu thanh niên Đặng Thai Mai bước vào đời.

Từ "Thai Sơn tàng thư", cậu thanh niên Đặng Thai Mai bước vào đời.

Quê hương là ngọn nguồn của tình yêu. Quê hương là ngọn nguồn của trí tuệ. Trên cái nền tảng đó, Đặng Thai Mai lớn lên và tiếp nhận những kiến thức mới, những tư tưởng mới. Như cánh diều tung bay giữa bầu trời xanh, nhưng đầu dây vẫn buộc chặt vào cái cọc được cắm trên mảnh đất quê hương.

Đến lúc đã trở thành một học giả nổi tiếng tiếp xúc với nhiều trí thức trong Nam ngoài Bắc và các nước Á Âu; trở về làng, ông lại nguyên vẹn là một người dân Lương Điền. "Bác đi khắp thiên hạ mà vẫn nói giọng làng ta hậy!", bà con nói thế. Ông cười, uống nước chè xanh, trò chuyện thân mật, không hề có chút cách biệt.

Sống ở Hà Nội, mỗi lần có người ở quê ra chơi, ông hỏi thăm tỉ mỉ về sức khỏe của các cụ già trong làng, về mùa màng, về thu nhập của các hộ nông dân. Dạo ấy, nghe tin ở Nghệ An có nhiều di tích lịch sử và văn hóa bị phá hủy, ông bồn chồn nghĩ đến núi Thai Sơn. Hễ gặp người làng là ông dặn dò: Phải giữ lấy ngọn núi ấy, giữ được núi Thai Sơn là giữ được linh khí của làng ta.

Học sinh và sinh viên đến thăm, ông thường kể cho các cháu nghe những tấm gương học tập của các bậc tiền bối, và ân cần khuyên nhủ: "Lương Điền là đất văn vật, các cháu phải cố gắng học giỏi để xứng đáng với ông cha". Thỉnh thoảng gặp một vài người bạn đồng hương cố tri, ngồi quanh ấm trà, nói chuyện với nhau toàn bằng giọng Thanh Chương và phương ngữ Nghệ An mô tê răng rứa, ông cười nói thoải mái như thể sống ở nước ngoài lâu năm bây giờ được nói tiếng mẹ đẻ.

Năm ấy, ông đã ngoài sáu mươi tuổi. Nhà thơ Trần Hữu Thung đến chơi, thấy trên bàn đặt mấy bài vè Nghệ Tĩnh chép tay. Ông bảo: Đứa cháu trong quê vừa sưu tầm được. Và ông cho biết thêm: Ngày nào cũng vậy, cứ sáng mai ngủ dậy, công việc đầu tiên là ông học thuộc lòng một đoạn hát dặm hoặc một bài vè hoặc một câu hát ví Nghệ Tĩnh. Trần Hữu Thung trố mắt, thầm cảm phục về đức kiên nhẫn học tập của ông, ngoài sáu mươi tuổi vẫn học thuộc lòng như một cậu học trò ngoan.

Võ Văn Trực

Danh sách mới hơn
Danh sách cũ hơn