Chuyện kể về thời thơ ấu của Đại thần Đặng Văn Hòa
Chủ Nhật, 29/11/2015
Thuở nhỏ, cậu bé Hoà thường hay cõng em đi chơi trong làng Thanh Lương.
Làng Thanh Lương gồm có bốn phe, mỗi phe gồm nhiều xóm họp thành. Trong mồi phe như thế dân làng thường lập một ngôi miếu thờ gọi là « miếu thổ thần » thường được xây dựng vào những nơi cao ráo trong xóm làng.
Cạnh miếu thường có những cổ thụ to lớn, bóng che phủ, toả bóng râm cả một vùng. Những cây cổ thụ này thường dân làng không dám đụng đến vì cho rằng đây là «cảnh» của thần. Mỗi khi muốn chặt đãn một nhánh, cành thì phải cáo xin, bói quẻ, xin xăm, mới dám đãn chặt. Trên cây là nơi làm tổ của các loài chim, cu, quạ...vì đây là nơi an toàn, bất khả xâm phạm. Dưới các gốc cổ thụ là nơi tập hợp lư hương, bát nước, ông táo...mà dân làng khi thay ra thường đem đặt vào, đây cũng là nơi trú ngụ của các loại chồn, cáo, rùa, rắn...dân chúng cho đây là «ngựa» của thần cưỡi nên không dám săn bắt. Trong miếu ngoài lư hương bài vị thờ thần, chiều tối luôn có một vài ngọn đèn dầu leo lét, mùi hương trầm từ miếu bốc ra tạo cho miếu thờ một cảnh âm u, huyền bí, linh thiêng. Dân làng mỗi khi đi ngang qua đây phải im lặng, cúi đầu. Mỗi khi có chuyện oan ức, bất mãn thường kéo nhau đến đây thề thốt.... Trẻ con trong xóm, mỗi khi trở dạ, ấm đầu thuốc thang không bớt thì người trong gia đình phải đem lễ vật ra đây cầu xin đêm này qua đêm khác vì lo sợ con cháu mình có đến đây quậy phá khiến bị thần quở phạt. Nói tóm lại miếu là một chốn nơi bí ẩn, linh thiêng.
Một lần nọ, cậu bé Hoà cõng em đi chơi, ngang qua miếu thổ thần, thấy trên cây có một tổ chim cưởng, cậu bé Hòa liền dẹp lư hương, bài vị của thần sang một bên rồi đặt em mình ngồi vào trong đó và giao ước với thần : «Ngài cho tôi gửi em để tôi lên bắt tổ chim. Nếu được ba con, thì phần tôi một con, thần một con, em tôi một con. Nếu được hai con, phần tôi một con. Nếu chỉ được một con thì đó là phần tôi». Nói xong cậu bé Hoà trèo lên cây đem tổ chim xuống, được ba con chim non. Vừa xuống thấu đất thì nghe ở nhà có tiếng mẹ gọi. Cậu bé Hoà vội đặt ba con chim non vào miếu và nói rằng : «Mẹ tôi gọi nên tôi phải về nhà. Ngài cho tôi gửi ba con chim ở đây, một lát nữa tôi sẽ quay lại ». Nói xong cậu bé Hoà bế em, bỏ ba con chim vào trong miếu, đóng cửa miếu trở về nhà. Khi xong việc trở lại thì ba con chim non đã lủi mất. Cho rằng thừa lúc mình vắng mặt thần đã đem chim giấu đi. Cậu tức giận nói rằng :«Công khó ta bắt ba ba con chim. Vắng mặt ta một lúc đã tìm cách lấy cả ba ! Tham lam như thế sao còn xứng là thần ». Nói xong cậu đem lư hương, bài vị thờ thần quẳng xuống cái ao gần đó.
Kể từ đó trong xóm làng thường xảy ra những viện bất an : hoả hoạn, tranh chấp, gây gổ, kiện tụng lẫn nhau...dân chúng không hiểu vì sao liền đi xem bói. Thầy xem quẻ đoán : «Miếu thổ thần bị động».
Dân chúng trở về tổ chức lập đàn, hộ đồng lên để xem miếu bị động vì nguyên nhân gì ?
Hàng đêm, mỗi khi chiêng trống trổi lên làm lễ mời đồng về, cậu bé Hoà lại cùng trẻ con trong xóm đến xem hộ đồng. Cầu luôn hai đêm, đồng chẳng nhập vào xác. Đến đêm thứ ba, cậu bé Hoà mệt, ngủ thiếp đi. Khi đó đồng mới nhập vào xác và nói rằng : «Ta biết dân chúng có lòng thành mời ta về, nhưng có một vị đại thần lớn hơn ta nhiều đang hiện diện nơi đây nên ta không dám lên. Nay vị đó đang ngủ nên ta lên đây báo cho dân biết ; Lư hương, bài vị thổ thần bị trầm thủy - chìm dưới nước- hãy mau mau vớt lên ». Nói xong đồng liền xuất.
Mọi người toả ra tìm xem thì thấy cậu bé Hoà đang ngồi tựa cột ngủ gục. Người ta mới biết người khiến cho quỷ thần phải kiêng nể là cậu bé Hoà".
Hiện nay ngôi miếu kia vẫn còn, không xa nhà thờ họ Đặng là bao.
Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng thân mạng cụ rất lớn. Cho nên mỗi khi trong làng Thanh Lương có tổ chức hầu đồng thì người ta phải đến nhà, nhờ cha mẹ cụ cấm không cho cụ đến xem vì sợ có sự hiện diên của cụ thì thần không dám xuất hiện.
Xem thêm về Đại thần Đặng Văn Hòa
Nguồn Đặng Gia Thế Mỹ.