Bia Tam Xuân
Thứ Sáu, 29/11/2013
HIPPOLYTE BRETON, LE VIEUX AN-TĨNH, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936. Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Văn Phú dịch. Chương Thâu và Phan Trọng Báu hiệu đính.
Tôi nhớ rằng tôi đã phát hiện ở làng Tam Xuân Hạ một tấm đá rất lạ mà tôi nghĩ cần phải có sự quan tâm của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Đây là một tấm bia khắc nổi hình một nhân vật nổi tiếng thời xưa. Mũ là mũ của những vị quan An Nam. Cấp bậc theo kiểu An Nam không thể là kiểu Champa, tuy nhiên tư thế hoa sen ấn Độ (padmasana) thì đúng hơn và phải là phong cách Hindoue. Tổng thể gợi cho ta những cái kut (bia mộ) của Champa, không phải phong tục An Nam chạm khắc như vậy trên tấm lát trong lễ tang người chết. Người ta có thể cho rằng đó là một hỗn hợp Champa và An Nam (Hình CI). Theo những sưu tầm cá nhân của ông M. Ch. Jeannin, công sứ Pháp ở Hà Tĩnh thì "bức tượng chính là hình của tướng Đặng Đình An, có thể chắc chắn là ông đã được chôn cùng một mộ với bà mẹ ở cách nhà bia chạm khắc một vài mét". Căn cứ vào những thông tin đó, ông Jeannin đã thêm vào bản dịch của tấm bia và một chỉ dẫn mà tôi đã cho công bố toàn văn:
Cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Đình An(1)
Đặng Đình An xuất thân từ một gia đình võ quan ở làng Trung Lao (nay là Trung Sơn) xã Yên Lạc (nay là Tam Xuân Hạ) huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ngày 10 tháng 6 năm Nhâm Tý (1612) đời Lê Kính Tôn, có khuôn mặt và tầm vóc khác thường. Năm ông mới 12 tuổi, Quý Hợi (1623), đã được theo cha ra trận. Với tài năng và sức khỏe phi thường, ông đã được quân lính khâm phục và chỉ một thời gian ông được phong "Khuông lộc bá trụ quốc hạ trật". Từ đó số phận luôn mỉm cười với ông. Nhờ đánh thắng quân Champa nhiều trận, năm Vĩnh Tộ (1629) ông được thăng "Trụ quốc trung trật", lúc đó ông mới 18 tuổi.
Năm 47 tuổi, đời Thịnh Đức thứ 6 (1658) ông được phong "Điện tiền tả hiệu diêm Khuông lộc hậu trung trật".
Năm 1679 đời Lê Hi Tôn, ông được phong thưởng cuối cùng với tước "Tấn tri công thần, đắc tiền phụ quốc thượng tướng quân, tham đốc thần võ tu vệ quân vụ, Khuông lộc hầu trụ quốc thượng liên quí tưởng" và được về nghỉ hưu ở huyện Nghi Xuân. Năm ấy ông 68 tuổi. Trong những năm nghỉ hưu, ông đã dùng thời gian làm những việc có lợi ích cho địa phương. Năm 1679, sau khi về nhà được vài tháng, ông đã cho làm chùa Tả Ao cho huyện Nghi Xuân. Sau đó ông cho sửa lại đình Trung Lao và hiến cho công quỹ của làng 2 khoảnh ruộng và 200 quan tiền. Để tưởng nhớ đến công lao và lòng độ lượng của ông, 51 chức sắc của Trung Lao đã dựng một tấm bia bằng đá hình 4 mặt và liệt ông vào hàng các vị thành hoàng làng. Tấm bia mặc dầu có sự tàn phá của thời gian, vẫn còn tốt; mặt bia mang những dòng chữ Hán bút tích của Quận công Hồ Sĩ Dương, tiến sĩ, cựu thần của nhà Lê, quê Quỳnh Đôi (Nghệ An).
Cách tấm bia khoảng 300 mét, dưới chân dãy Hồng Lĩnh, ở một trong những nơi phong cảnh đẹp nhất của xã Tam Xuân còn có một phiến đá vôi(2) chạm trổ như đá hoa, trên đó hình ông Đặng Đình An mặc triều phục được chạm nổi. Trước phiến đá có một thạch bàn nhỏ trên đó có khắc những dòng chữ Hán: Hiền tỷ, chánh phu nhân, Bùi quí thị gia phong Đại vương(3). Thạch bàn này vốn được bảo vệ tốt. (Hình CI).
Chú thích:
(1) Ông và bố đều là võ tướng nhà Lê. Nhờ những võ công, hai người đều được phong tước Hầu. Xem bài viết của H. Le Breton đăng ở BAVH số 2, tháng 2+6, 1935, tr. 227-228.
(2) Phiến đá cao 1,045 m, rộng 0,60 m, dày 0,30 m. Thời gian dựng ngườita đã yểm bùa vào rốn của Đại tướng một số đồng tiền Nguyên Phong đời Hán và một ít vàng. Cách đây vài năm một kẻ "phạm thượng" nào đó đã đục rốn và lấy mất số vàng này.
(3) Ngôi đền ở phía sau phiến đá là mộ của thân mẫu Đặng Đình An. Tước "Đại vương" có thể bà là con gái của một nhà quý tộc Bắc Kỳ. (Chú thích của Le Breton).