Cụ Đặng Văn Hài (1826-1886) với phong trào Văn Thân chống Pháp
Thứ Sáu, 29/11/2013
Vào đầu thế kỉ thứ XIX, dòng họ Đặng Công ở thôn An Trạch, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, có gương một sĩ phu yêu nước kiên cường, bất khuất trong phong trào "Văn Thân" chống Pháp, đến nay vẫn còn được nhân dân ghi nhớ và ca ngợi.
Vào đầu thế kỉ thứ XIX, dòng họ Đặng Công ở thôn An Trạch, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, có gương một sĩ phu yêu nước kiên cường, bất khuất trong phong trào Văn Thân chống Pháp, đến nay vẫn còn được nhân dân ghi nhớ và ca ngợi.
Cụ Đặng Văn Hài sinh ngày 23/6/1826. Cụ xuất thân trong một gia đình Nho giáo. Là dòng dõi khanh tướng, hậu duệ đời thứ sáu của Tổ Hán Nho Đặng Công Vi (1665 - 1719) quan Vệ úy Phấn vũ Tướng quân tòng tam phẩm nhà Hậu Lê thời Vua Lê Hy Tông (1676 - 1705).
Gia đình cụ Hài ba đời làm nghề thuốc gia truyền. Nói về ông nội của cụ là Đặng Trọng Nhai (1728 - 1829) một người được nhân dân trong vùng khen ngợi là người có chí ham học, sách chẳng rời tay, đức tốt phô bầy, tiếng thơm lan khắp. Cha mẹ yêu mến, làng xóm cậy tin. Đến khi 30 tuổi đã làm trưởng trong dân, trong 10 năm đã làm đến Thập Lý Hầu. Có công với dân, lấy kinh sử làm ruộng tốt, lấy thi thư làm của báu, Nho y lý số không gì không hay, tìm được thuật tiên, giỏi về bắt mạch, cứu người khỏi chết, tóc bạc mà lộ rõ lòng nhân, chúng dân đều bảo người hiền, người người thảy đều tôn kính, phúc lộc vẹn toàn, tuổi thêm thượng thọ.Ngày 20/4 năm Minh Mệnh thứ VIII (1827) đội ơn Vua ban thưởng, sắc ban bảng vàng có chữ "Thọ dân".
Cụ là người có tâm, có của dồn về, kết thêm bè bạn, kẻ có bệnh cụ cứu giúp thành ra được bình an, người gặp nguy nhờ được cứu độ, tuổi thọ còn truyền.
Năm cụ 102 tuổi mới về chốn Cửu tuyền. Được Vua phê bảng vàng, tỏ rõ sự ban ơn vô lượng, thừa phúc truyền lại cho cháu con, ấy là dòng mạch lớn lao đời trước, truyền lại tốt đẹp cho đời sau.
Cháu nội Đặng Văn Hài không theo đường khoa bảng, không ra làm việc cho Triều Nguyễn. Cụ mở trường dạy học và làm thuốc cứu người với ý nghĩ: " Bản kỳ nhân tâm, hành kỳ nhân thuật. Bất vi lương tướng, tắc vi lương y".
Dịch nghĩa: (Gốc ở nhân tâm, Làm ở nhân thuật. Chẳng thành lương tướng, thì thành lương y).
Giữ vững truyền thống của ông cha, là một túc Nho khảng khái, nhân hậu, một danh y giàu lòng yêu nước, gặp lúc tình hình đất nước vô cùng rối ren. giặc Pháp xâm lược đánh ra Bắc Kỳ, Vua Tự Đức ươn hèn, thỏa hiệp với Pháp, ngày đêm chỉ ngâm vịnh thơ phú và lo xây dựng lăng tẩm, nhân dân khắp nơi lầm than đói khổ, ta thán.
Năm 1873 quân Pháp hạ thành Hà Nội rồi cho quân đánh xuống Nam Định, Ninh Bình. Năm 1874 cụ Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị (1805 - 1880) một viên quan yêu nước, một vị tướng chỉ huy đánh Pháp, một nhà thơ có chí khí căm thù giặc, khinh bỉ bọn bán nước, cụ kêu gọi toàn dân đứng lên đấu tranh.
Năm 1859 cụ dâng sớ lên Triều đình chống giặc Pháp ở Trà Sơn, là một lời tuyên ngôn quyết chiến với kẻ thù xâm lược được người dân ca ngợi,với những nét điển hình đó là:
"…Kìa như Tổng Đốc, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, tiền bổng, gạo lương bao tạ".
Sao thấy thằng đầu trọc, răng trắng, gối run như chứng phong kinh.
Sao thấy thằng mũi lõ, tóc quăn, mặt xám như hình lôi lả.
Nghe cửa tiền rầm pháo nổ, ngọn cờ theo gió phất xuôi.
Mở cửa hậu cho quân lui, bỏ giáo rơi đường tơi tả"
"Sông Bạch Đằng. máu Ba Linh thuở nọ, lưỡi gươm thiêng còn nhấp nhánh sóng Bình Sa. Núi Mã Yên thây Liễu tướng ngày nào, ngọn cờ nghĩa phất phơ tầng mây tỏa".(7)
Với hiệp ước Pa-tơ-nô-tơ-xơ (patenotre) ký năm 1884. Triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng giặc Pháp và thừa nhận quyền thống trị của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ nước ta. Trước thảm họa nước mất, nhà tan, sự nghiệp cứu nước của cụ Tam đăng Phạm Văn Nghị không thành, cuối cùng buộc cụ phải lui về ẩn giật tại vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Sự việc này đã có tác động trực tiếp đến phong trào và tinh thần chống Pháp của các sỹ phu nơi đây, trong đó có cụ Đặng Văn Hài và một số người khác ở tổng Trương Yên.
Cụ Hài ngày đêm nung nấu ý chí chiến đấu, sôi sục căm thù bè lũ cướp nước và bán nước. Cụ tham gia phong trào Văn thân, cụ ra làm chức Chánh tổng Trường Yên để dễ bề hoạt động (Nhân dân thường gọi là cụ Tổng Phác). Sẵn có uy tín trong dân, cụ chiêu mộ trai tráng trong vùng, tập hợp các sĩ phu yêu nước, mua sắm vũ khí, giáo mác luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ giết giặc cứu nước.
Tháng 7 -1885, hịch Cần Vương của Vua Hàm Nghi phát đi, tựa như đồng hạn gặp mưa rào, cụ hăng hái hưởng ứng, cùng với một số bạn bè trang lứa chung ý nguyện, đứng lên vận động mọi tầng lớp nhân dân tổ chức lực lượng vũ trang, đồng thời bắt liên lạc với phong trào Cần Vương ở khắp các nơi trong tỉnh và phong trào ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, đẩy mạnh các hoạt động gấp rút khẩn trương chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Lúc này cuộc kháng chiến đã chuyển hướng từ thành thị về vùng nông thôn trong cả nước.
Ở khắp nơi, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra như các cuộc khởi nghĩa của Lã Xuân Oai, Phạm Trung Thứ ở Thượng Đồng, Phong Danh (Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) Vũ Ngọc Tuân (Còn gọi là Vũ Hữu Lợi, hoặc cụ Nghè Dao cù) ở Vụ Bản. Trần Văn Gia ở Hải Hậu, Đinh Công Tráng ở Thanh Liêm, của Đề Yêm ở Kim Bảng, Hà Nam. Thiên hộ Giản ở Yên Khánh và Bang Tương ở Thư điền, Gia Khánh, Ninh Bình (LS Hà Nam Ninh, trang 241 tập 1 năm 1986).
Đêm mùng 5/9 năm Ất Dậu (1885), nghĩa quân Cần Vương do cụ Đặng Văn Hài chỉ huy cùng với cụ Lý Khánh (Con rể họ Đặng, làm Lý trưởng An Trạch). Cụ Chánh Đương, cụ Bá Kếnh (Dương Đức Vĩnh - Người thôn Trường Yên thượng, cùng xã) đã bí mật phối hợp hành động với các cánh quân Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa và các nơi khác trong tỉnh Ninh Bình thực hiện ý định đánh chiếm tỉnh lỵ Ninh Bình. Nhưng sự việc diễn ra không như dự kiến, do có bọn chỉ điểm nằm trong hàng ngũ nghĩa quân và nhiều lý do khác nữa, đồng thời các cánh quân ở Hà Nam, Nam Định không đến được, ở Thanh Hóa không ra kịp. Tình huống trở nên phức tạp và khó khăn, tuy vậy với số quân ở trong vùng cũng đã tập trung đông đảo, khí thế sục sôi hào hùng với gậy gộc, giáo mác làm vũ khí, cụ và các nghĩa binh nhanh chóng đột nhập đánh phá vào một số nơi cơ sở đầu não của giặc Pháp tại thị xã Ninh Bình, ở huyện lỵ Gia Khánh, ở khu vực Phúc Am…rồi nhanh chóng rút quân.
Trận đánh vào thị xã Ninh Bình và một số nơi quanh vùng đêm ấy không đạt được kết quả và thắng lợi như dự kiến về mặt quân sự, nhưng đã làm cho bọn giặc Pháp cùng với bè lũ Việt gian, phản động, ngụy quân, ngụy quyền được một phen hoảng loạn, kinh hoàng, chúng dẫm đạp lên nhau chạy trốn thục mạng. Ảnh hưởng của cuộc nổi dậy khởi nghĩa do những người áo vải đã làm vang động cả một vùng Bắc Kỳ và Trung Kỳ lúc bấy giờ đã thôi thúc tinh thần chống Pháp trong quần chúng nhân dân.
Bọn giặc Pháp và tay sai vô cùng hoảng sợ, chúng tìm mọi cách đàn áp hòng dập tắt phong trào, chúng huy động lực lượng, dùng tên Việt gian là Đội Khuối (Làng Phú gia xã Ninh Khang, Gia Khánh, Ninh Bình) và một số tên phản động khác dẫn đường. Vào đêm mùng 5/11 Ất Dậu (1885) bọn Pháp cho lính về vây chặt làng An Trạch tổng Trường Yên, chúng tiến hành lùng sục, bắt bớ, tra khảo, đánh đập gây không khí sợ hãi kinh hoàng trong quần chúng nhân dân. Chúng bắt được cụ Hài, cụ Lý Khánh và một số người đem đi. Chúng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn…lửa cháy vút cao, nhiều tiếng nổ của luồng, nứa hỗn độn xen với tiếng quát tháo tra khảo, đánh đập của lính Pháp, tiếng người kêu cứu thất thanh, tiếng la thét thảm khốc. Hơn bốn tiếng đồng hồ làng xóm, nhà cửa đã biến thành tro bụi, cảnh tượng thật hoang tàn.
Ở trong lao tù, bọn thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn và hình thức để dụ giỗ, vuốt ve, mua chuộc cụ Hài, cụ Lý Khánh và một số người khác. Một thời gian sau chúng buộc phải thả một số người dân vô tội, riêng cụ Hài và cụ Lý Khánh không chịu khuất phục bị chúng dùng mọi hình thức tra tấn dã man, nhưng chúng không lay chuyển được ý chí bất khuất kiên cường của hai cụ. Cuối cùng chúng phải giao cho toa án Nam Triều xử và kết án tử hình hai cụ.
Một chiều mùa thu ngày 9/9 năm Bính Tuất (1886) hai cụ hiên ngang bước ra pháp trường. Đứng trên đoạn đầu đài, cụ Hài rõng rạc mắng vào mặt lũ giặc: "Thà làm nghĩa sỹ không đầu non nước Việt, còn hơn bầy Vương bá dưới Triều Tây". Mặc dù bọn giặc Pháp dùng hình thức xử chém và bêu đầu cụ Hài trước cổng chợ Rồng (Thị xã Ninh Bình) trong nhiều ngày để uy hiếp tinh thần của nghĩa quân và nhân dân trong vùng, trái lại, chúng càng khơi dậy lòng căm thù giặc sâu sắc và nỗi tiếc thương vô hạn của anh em, bạn bè và nhân dân đối với hai cụ. Gia đình và bạn bè anh em đã tìm mọi cách để xin thi hài của hai cụ về quê mai táng, nhưng bọn giặc vẫn giữ lại thủ cấp của cụ Hài không giao lại cho gia đình. Năm đó cụ Hài hy sinh ở tuổi 60.
Cuộc khởi nghĩa Cần Vương năm 1885 và phong trào Văn Thân do cụ Đặng Văn Hài (Tức Tổng Phác) tổ chức, lãnh đạo và chỉ huy mặc dù đã bị dìm trong máu, nhưng tấm gương kiên cường, bất khuất của nghĩa quân như một nét son và một hồi chuông cảnh tỉnh bọn giặc Pháp, bọn ngụy quân, ngụy quyền lúc bấy giờ, càng tô thắm thêm trang sử vẻ vang, truyền thống đánh giặc ngoại xâm của nhân dân Trường Yên, cũng như nhân dân Ninh Bình, đồng thời đã để lại tiếng thơm mãi mãi cho thế hệ mai sau.
Ngày 9/9 năm Ất Hợi (1995) dòng họ Đặng Công ở thôn Yên Trạch, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình được sự giúp đỡ của Đảng ủy UBND xã Trường Yên, ban quản lý Danh thắng và bảo tàng, Sở VHTT tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo về cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Đặng Văn Hài trong phong trào Văn Thân chống Pháp tại đình làng thôn Yên Trạch, để kỷ niệm 110 năm khởi nghĩa Cần Vương (1885 - 1995) của cụ, khơi dậy niềm tin và lòng tự hào với truyền thống của dòng họ Đặng, góp phần vào công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc của toàn dân.
Theo Ký sự họ Đặng, Đặng Ngọc Hiệp