Thơ Đặng Xuân Bảng
Thứ Tư, 17/12/2014
Đặng Xuân Bảng 鄧春榜 (1828-1910) tự Hy Long, hiệu Thiện Đình, là quan nhà Nguyễn và đồng thời cũng là một nhà sử học Việt Nam, sinh năm Minh Mạng thứ 8 (1828) trong một gia đình Nho học, quê ở làng Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ ông theo học cha mình là cụ Đặng Viết Hoè (tức Mền Hoè), sau đỗ tú tài năm 1846, đến khoa thi sau lại đỗ tú tài một lần nữa, người đời gọi ông là kép bảng. Năm 22 tuổi, triều vua Tự Đức, ông đỗ cử nhân, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Khoa thi 1856, ông 28 tuổi, vào Huế thi hội và đỗ tiến sĩ, đứng thứ nhì khoa ấy.
Đặng Xuân Bảng 鄧春榜 (1828-1910) tự Hy Long, hiệu Thiện Đình, là quan nhà Nguyễn và đồng thời cũng là một nhà sử học Việt Nam, sinh năm Minh Mạng thứ 8 (1828) trong một gia đình Nho học, quê ở làng Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ ông theo học cha mình là cụ Đặng Viết Hoè (tức Mền Hoè), sau đỗ tú tài năm 1846, đến khoa thi sau lại đỗ tú tài một lần nữa, người đời gọi ông là kép bảng. Năm 22 tuổi, triều vua Tự Đức, ông đỗ cử nhân, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Khoa thi 1856, ông 28 tuổi, vào Huế thi hội và đỗ tiến sĩ, đứng thứ nhì khoa ấy. Quyển ông đáng đậu Hoàng giáp, nhưng cuối bài sách có câu can vua về thanh sắc tuần du. Vua không ưng, đánh xuống đầu tam giáp tiến sĩ. Khi vào lĩnh mũ áo, dự yến xong, vua hỏi ở nhà học ai, ông đáp chỉ học cha ở nhà. Vua liền ban cho bốn chữ "Giáo tử đăng khoa".
Sau khi đỗ tiến sĩ, Đặng Xuân Bảng được vào làm việc ở Nội các, tham gia chỉnh lý bộ sách Khâm định nhân sự kim giám bàn về đạo trị nước của các bậc đế vương; rồi từ đó lần lượt giữ các chức vụ Tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hoá), Tri phủ Yên Bình (1860), Giám sát ngự sử (1861), Chưởng ấn ở Lại Khoa (1863), Án sát Quảng Yên (1864), Bố chính Thanh Hoá (1867), Bố chính Tuyên Quang (1868), Bố chính Sơn Tây (1869), Tuần phủ Hưng Yên (1870), Tuần phủ Hải Dương (1872), Đốc học Nam Định (1886)... Làm Tuần phủ Hải Dương nhưng khi mất thành cho giặc bị cách chức. Sau được bổ làm Đốc học Nam Định. Năm 1888, ông xin về nghỉ an dưỡng tại quê nhà và qua đời năm 1910, thọ 83 tuổi.
Ông nội ông là Đặng Nguyên Quế (tức Xã Quế), là nhà Nho chuyên nghề dạy học. Cụ bà chuyên nghề làm vườn, trồng dâu, nuôi tằm. Nhân do làm ăn, sinh sống ở quê gặp khó khăn, cụ di cư gia đình đến xã An Dương (Hải Phòng) và tiếp tục làm nghề cũ. Cha ông là Đặng Viết Hoè (1807-1877), một nhà Nho đỗ tới 7 khoa tú tài (các năm 1828, 1831, 1846, 1847, 1848, 1850 và 1852). Ông Đặng Viết Hoè cùng cha ra Hải Phòng sinh sống, theo học cha, đỗ tú tài thì trở về Hành Thiện dạy học. Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) là cháu nội của Đặng Xuân Bảng. Theo "Hành Thiện hợp phả" của Đặng Xuân Viện viết năm 1933 và "Đặng tộc phả chí thông khảo" của Thiếu Nam thì tổ họ Đặng làng Hành Thiện là Quốc công Đặng Tất.
Khách thứ đâu đây huyện Thạch Hà
Dừng chân tạm nghỉ ngại sương sa
Chuông kình văng vẳng từng mây lọt
Đèn cá tờ mờ cách bến xa
Róc rách sườn non dòng suối chảy
Chênh chênh mái gác ánh trăng tà
Lạ nhà trằn trọc khuya chưa ngủ
Thành huyện canh vừa trống điểm ba
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Đề động Bích Đào Nga Sơn
Động đào mở khoá dễ ai hay
Ngó tựa Thiên Thai cảnh đẹp thay
Róc rách một dòng khe cuốn gió
Rỡ ràng năm sắc đá chen mây
Cờ tiên cuộc trải vòng kim cổ
Thơ thánh câu đề giọng tỉnh say
Ướm hỏi chủ nhân đâu vắng tá
Bích đào còn đó động còn đây
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Đề núi Dục Thuý
Nửa nơi thành thị nửa thanh u
Dưới nước trên mây giữa khói mù
Đá trắng mờ rêu phai nét mực
Cúc vàng lẫn cỏ nhuộm màu thu
Hỏi người động chủ giờ đâu vắng
Ngắm cảnh chùa tiên cũng muốn tu
Bể nổi dâu chìm chừng mấy độ
Bức tranh sơn thuỷ hãy còn ru
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Đề núi Hàm Rồng
Núi đây tên gọi núi Hàm Rồng
Ấy cảnh thiên nhiên cảnh lạ lùng
Nước cuốn rêu xanh màu đá lũa
Mây in vẻ tía bóng gương lồng
Chim toan cất cánh bay qua đỉnh
Cá chực giương vây vượt giữa dòng
Danh lợi ấy ai lòng rửa sạch
Nước sông biết đợi lúc nào trong
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Đề núi Phật Huỳnh
Xem cảnh Lam Sơn cũng lạ thường
Ngàn xưa trải mấy cuộc tang thương
Sông Lương nước biếc quanh sườn núi
Nền cũ rêu xanh kín bức tường
Một rặng đá mây in vẻ đẹp
Mấy trùng cây cỏ đượm mùi hương
Nhà Lê phát tích đâu đây nhỉ
Cung điện lâu đài bóng tịch dương
(Núi Phật Huỳnh có lăng vua Lê).
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Cảm hứng
Phong trần đầy đoạ mấy thu nay
Có lẽ ta đâu mãi thế này
Một gánh tan bồng vai thử nhắc
Hai đường trung hiếu dạ khôn khuây
Mấy phen đeo đẳng công đèn sách
Có lúc thênh thang hội gió mây
Vũ trụ có mình thêm có chuyện
Nước non non nước ý gì đây
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Giữ mực thanh liêm
Chớ nghĩ quan là đã bảnh bao
Yêu nhau một giống nghĩa đồng bào
Bới lông tìm vết lòng không nỡ
Giục bị xui nguyên tội xiết bao
Dấu đỏ loè dân trò lính lệ
Môi thâm hớt nhảm lối cường hào
Kiếm xu không phải mình không thạo
Bắt nạt dân đen có lẽ nào
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Ngẫu hứng
Cái cuộc công danh nghĩ đã chồn
Bấm tay tính tuổi sáu mươi tròn
Núi cao luống ngại trèo lên đỉnh
Trời khuyết khôn đem vá mấy hòn
Phong nguyệt đầy bầu vui có bạn
Giang sơn đỡ gánh cậy đàn con
Dù đâu đổi hướng xoay nền mặc
Mái tóc pha vàng bụng vẫn son
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Tự vịnh
Chen vai quả đất đứng trên vòng
Trời sinh ra ta có ý không
Trải kiếp chưa phai hồn cố quốc
So gan mới biết mặt anh hùng
Mấy hàng tóc bạc từng dâu bể
Một tấm lòng son giãi núi sông
Gió Á mưa Âu thay đổi mặc
Trơ trơ như đá vững như đồng
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Vui thú nhà nông
Kể khi ao cá với vườn cau
Trồng cấy siêng năng cũng đã giàu
Đỏ rỡ bên đê hàng lúa bắp
Xanh rì bãi cát mấy ngàn dâu
Ơn trời đổ xuống mưa như mỡ
Lộc đất đùn lên ruộng cũng màu
Phong vị điền gia coi cũng thú
Mùa nào thức nấy chuối cam rau
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
Nguồn: http://www.thivien.net/%C4%90%E1%BA%B7ng-Xu%C3%A2n-B%E1%BA%A3ng/author-W30j6Vbw2X0mdcj3vyF5Eg